Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở Cairo, Ai Cập ngày 29/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, những hoài nghi về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vừa đạt được hồi cuối năm ngoái cũng tạo áp lực giảm lên giá “vàng đen”.
Chiều phiên này, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 11 xu Mỹ (0,2%), xuống 52,26 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ giao kỳ hạn mất 7% (0,1%), xuống 49,32 USD/thùng. Giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt hạ 0,1% và 0,4% trong phiên giao dịch đầu tuần (7/8).
Sản lượng tại mỏ dầu Sharara lớn nhất Libya đã khôi phục về mức bình thường là 270.000 thùng/ngày, sau một thời gian gián đoạn do các phiến quân có vũ trang đánh phá một khu vực của thành phố duyên hải Zawiya.
Libya được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC nhằm đẩy giá dầu đi lên. Việc quốc gia Bắc Phi này phục hồi sản lượng càng gây trở ngại cho nỗ lực kiềm chế nguồn cung của OPEC.
Trong khi đó, sản lượng dầu của OPEC trong tháng Bảy vừa qua đạt mức cao nhất kể từ đầu năm nay, còn xuất khẩu dầu mỏ của các-ten này hiện cũng ở mức cao kỷ lục.
Ủy ban chung giám sát việc cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC nhóm họp ở Abu Dhabi vào ngày 7-8/8 nhằm thảo luận cách thúc đẩy mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Mặc dù báo cáo mới đây cho hay nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm nay tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016, lên 247 triệu tấn, song thị trường vẫn chịu áp lực khi sản lượng dầu của Mỹ vẫn neo ở mức cao.