Đây được coi là dấu hiệu đáng lo ngại đối với lạm phát toàn cầu, chỉ vài ngày sau khi các chỉ số giá cả của Mỹ cải thiện hơn thúc đẩy sự lạc quan của thị trường.
Giá dầu Brent hợp đồng kỳ hạn tăng gần 6%, lên 84,42 USD/thùng do có thông tin sản lượng sẽ bị cắt giảm khoảng 1,16 triệu thùng/ngày, trong khi dầu thô của Mỹ tăng 5,74%, lên 80,01 USD/thùng.
Những diễn biến này diễn ra trước thềm cuộc họp trực tuyến của hội đồng bộ trưởng OPEC+, trong đó có Saudi Arabia và Nga, vốn dự kiến sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày đã nhất trí trước đó cho đến cuối năm nay.
Một loạt các nước thành viên OPEC+ ngày 2/4 đã tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng 2 cho tới cuối năm 2023. Tương tự, Bộ Năng lượng Saudi Arabia tuyên bố nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 tới cho đến hết năm 2023. Bộ trên khẳng định quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô này được đưa ra để phối hợp với động thái từ các nước xuất khẩu dầu mỏ khác, và số lượng cắt giảm nêu trên nằm ngoài số lượng cắt giảm đã được thỏa thuận trong phiên họp thứ 33 ngày 22/10 năm ngoái của OPEC+.
Cùng ngày, nhiều nước khác cũng đã công bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ kể từ tháng 5 đến hết năm 2023, trong đó có Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE - 144.000 thùng/ngày), Kuwait (128.000 thùng/ngày), Iraq (211.000 thùng/ngày), Oman (40.000 thùng/ngày) và Algeria (48.000 thùng/ngày).
Người đứng đầu công ty đầu tư Pickering Energy Partners ngày 2/4 cho rằng việc các nước thông báo đợt cắt giảm sản lượng mới nhất này có thể khiến giá dầu mỏ tăng thêm 10 USD/thùng. Ngân hàng Goldman Sachs cũng dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay và lên 100 USD/thùng vào năm 2024.