Như vậy, theo dự đoán mới nhất của EIA, nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 sẽ tăng 1,03 triệu thùng/ngày lên mức 101,74 triệu thùng/ngày.
Theo quan chức EIA Linda Capuano, cơ quan này dự kiến các hạn chế đi lại để ứng phó dịch COVID-19, cùng với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, sẽ làm giảm nhu cầu dầu và giữ giá dầu thô dưới 60 USD/thùng trong nửa đầu năm 2020, bất chấp những gián đoạn hiện nay về nguồn cung dầu thô.
Trong thời gian qua, dịch bệnh do COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan sang nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã khiến các thị trường tài chính trên toàn cầu biến động mạnh và làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ kinh tế "giảm tốc". Sau khi dịch bệnh đã khiến hơn 1.000 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và hàng chục nghìn ca nhiễm bệnh ở cả Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ông Zhong Nanshan, ngày 11/2 cho biết đợt bùng phát dịch bệnh sẽ đạt đỉnh tại Trung Quốc trong tháng này và sẽ qua đi vào tháng Tư tới.
Bên cạnh đó, EIA cho hay việc hạ dự báo mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu cũng vì nhiệt độ trong tháng 1/2020 ấm hơn bình thường trên phần lớn khu vực thuộc Bắc Bán cầu.
EIA cũng hạ dự báo tăng trưởng sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2020 từ 1,06 triệu thùng/ngày xuống còn 960.000 thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng 360.000 thùng lên 13,56 triệu thùng/ngày.
Cũng theo EIA, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020 do nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến giảm trong giai đoạn đầu năm 2020. EIA dự kiến sản lượng dầu của OPEC sẽ đạt mức trung bình 28,9 triệu thùng/ngày trong năm 2020, thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 1/2020.