Vào lúc 9h sáng 13/8 (giờ địa phương), tỷ giá giữa hai đồng tiền này tại thị trường Tokyo là 105,38-39 yen/USD, cao hơn một chút so với thị trường New York (Mỹ) vào lúc 17h ngày 12/8 (105,22-32 yen/USD) và thị trường London (Anh) vào lúc 16h ngày 12/8 (105,25-35 yen/USD).
Đồng bạc xanh của Mỹ tiếp tục mất giá so với đồng yen của Nhật Bản sau khi ngày 12/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tiếp tục nâng tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ so với USD. Điều này phát đi tín hiệu về khả năng tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ tiếp tục kéo dài.
Trước đó, đồng USD đã giảm giá mạnh so với đồng yen, xuống còn 105,05 yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019, sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giảm lãi suất cơ bản.
Cùng với vàng, đồng yen của Nhật Bản vẫn được coi là một trong những tài sản an toàn và các nhà đầu tư thường đẩy mạnh mua vào đồng tiền này mỗi khi xuất hiện các dấu hiệu bất ổn trong thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, việc đồng yen tăng giá so với USD đã khiến các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại vì điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và tác động tiêu cực tới triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo ước tính của Tập đoàn sản xuất ô tô Toyota, lợi nhuận hoạt động của tập đoàn sẽ giảm 40 tỷ yen nếu đồng yen tăng giá 1 đơn vị so với đồng USD. Trong tình huống tương tự, Nissan - đối thủ của Toyota - sẽ thiệt hại 11 tỷ yen, trong khi hãng điện tử Hitachi sẽ mất 14 tỷ yen doanh thu.
Chính vì vậy, ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Yoshiki Takeuchi đã để ngỏ khả năng Tokyo sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu sự lên giá quá mức của đồng yen có nguy cơ tác động xấu đến nền kinh tế lệ thuộc xuất khẩu của nước này.
Khi được hỏi về việc Nhật Bản có can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn đà tăng giá quá mức của đồng yen hay không, Thứ trưởng Takeuchi cho biết nước này cần hành động dựa trên thỏa thuận của Nhóm Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nếu các biến động tiền tệ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và các thị trường tài chính.
Nhật Bản đã tham gia vào thỏa thuận chống lại hành động phá giá đồng tiền của G7 và G20 nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu, với cam kết thúc đẩy tỷ giá theo định hướng thị trường và sử dụng chính sách tiền tệ nhằm đạt các mục tiêu trong nước. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã không can thiệp vào thị trường tiền tệ kể từ năm 2011 - thời điểm nước này có những biện pháp mạnh mẽ nhằm chặn đà tăng giá của đồng yen sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3 năm đó.