Cuộc đua kích cầu mua sắm cuối năm của các sàn thương mại điện tử

Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển bùng nổ, các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop… đã và đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi đặc biệt nhằm kích cầu mua sắm cuối năm. Dịp 11/11 - Ngày độc thân là một trong những sự kiện trọng điểm mà các sàn đang nỗ lực tối đa để kích cầu mua sắm.

Chú thích ảnh
Nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng vẫn tăng cao theo từng năm. Ảnh minh họa

Cuộc đua ưu đãi và lợi ích người dùng

Cuối năm là thời điểm các sàn TMĐT tại Việt Nam chạy đua với hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng. Đối với người mua, đây là cơ hội vàng để sở hữu các sản phẩm yêu thích với mức giá ưu đãi, từ đồ gia dụng, điện tử đến thời trang và mỹ phẩm. Chính vì vậy, từ tháng 11 trở đi luôn là thời điểm được các sàn TMĐT lựa chọn để triển khai những chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm, đặc biệt là sự kiện “11.11 Siêu Sale”.

Sự kiện “11.11 Siêu Sale” là ngày hội mua sắm với các ưu đãi "khủng", đánh dấu cuộc đua cam go giữa các sàn nhằm kích cầu tiêu dùng trước thềm mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán. Từ những tên tuổi lớn như Shopee, Lazada, Tiki đến nền tảng mới nổi như TikTok Shop, tất cả đều đang đưa ra các chương trình giảm giá mạnh, tích hợp trải nghiệm mua sắm tiện lợi và thân thiện với người dùng.

Chú thích ảnh

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), nhận định: "TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 25% và dự kiến đạt quy mô thị trường khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, các chương trình khuyến mãi cuối năm chiếm phần lớn doanh thu, với dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh vào các dịp mua sắm lớn như 'Ngày độc thân' (11/11) và Tết Nguyên đán".

Shopee hiện là nền tảng dẫn đầu thị trường, với thị phần 67,9% và giá trị tổng hàng hóa (GMV) đạt 2,12 tỷ USD trong quý 1 năm 2024. Trong sự kiện “11.11 Siêu Sale” tới đây, Shopee thu hút người dùng với các voucher freeship lên đến 500.000 đồng cùng cơ hội rút thăm trúng xe máy điện VinFast. Shopee còn hỗ trợ nhà bán hàng nhỏ lẻ tham gia các chương trình khuyến mãi với chi phí thấp, giúp tăng tính cạnh tranh và ưu tiên sản phẩm Việt, góp phần quảng bá hàng hóa nội địa.

Lazada tuy chiếm 7,6% thị phần, nhưng để cạnh tranh, sàn đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trải nghiệm mua sắm nhằm cá nhân hóa và tối ưu hóa các đề xuất sản phẩm. Trong sự kiện "11.11 Siêu Sale" của Lazada, sàn giảm giá đến 90% cho hàng loạt sản phẩm cùng các hoạt động livestream kéo dài 20 giờ liên tục, giúp người tiêu dùng khám phá sản phẩm qua những buổi phát sóng trực tiếp. Lazada còn cung cấp các voucher giảm giá lên đến 1 triệu đồng và miễn phí vận chuyển cho các đơn hàng trong thời gian diễn ra sự kiện. Bà Đoàn Trang Hà Thanh, Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam, cho biết: “Việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm không chỉ mang lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng mà còn giúp gia tăng doanh số bán hàng".

Chú thích ảnh

TikTok Shop là nền tảng mới nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh 23,2% thị phần và ghi nhận GMV đạt 721 triệu USD trong quý I/2024. Khác với các nền tảng khác, TikTok Shop thu hút người tiêu dùng trẻ qua các chương trình livestream và các hoạt động tương tác. TikTok Shop còn đẩy mạnh hệ sinh thái đối tác, giúp nhà bán hàng tăng cường tương tác với người tiêu dùng qua các công cụ quảng cáo như Shop Ads và Video Shopping Ads.

Tiki và Sendo cũng góp mặt trong dịp “11.11 Siêu Sale” với các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Tiki cung cấp mã giảm giá và miễn phí vận chuyển, đặc biệt với các sản phẩm công nghệ và gia dụng - những ngành hàng có sức hút lớn vào dịp cuối năm. Sendo thì đẩy mạnh ưu đãi ở sản phẩm thời trang và thực phẩm, đồng thời tăng cường dịch vụ giao hàng nhanh.

Những chương trình khuyến mãi cuối năm không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, giúp họ tiết kiệm chi phí, mà còn thúc đẩy doanh thu của các sàn TMĐT. Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, nhận định: "TMĐT đang trở thành kênh bán lẻ chính yếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Với các chương trình ưu đãi mạnh mẽ, người tiêu dùng sẽ ngày càng gắn bó với nền tảng trực tuyến".

Thị trường TMĐT Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh

Với tốc độ phát triển nhanh chóng, TMĐT Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 25%. Theo Bộ Công Thương, TMĐT đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Sự bùng nổ của các sàn như Shopee, Lazada và TikTok Shop đã làm thay đổi mạnh mẽ thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt.

Chú thích ảnh
TMĐT Việt Nam  có mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 25%. Ảnh minh họa

Thị trường TMĐT đã đạt doanh thu 85.000 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến đạt 156.000 tỷ đồng vào cuối năm. Đây là minh chứng cho sức hấp dẫn của TMĐT và nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng. Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, sự phát triển của TMĐT giúp mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Các nền tảng TMĐT không chỉ tăng trưởng về số lượng đơn hàng mà còn cải thiện lợi nhuận nhờ đầu tư vào công nghệ. Shopee và Lazada tích cực áp dụng AI và Big Data vào hoạt động, tăng cường trải nghiệm và cá nhân hóa dịch vụ. Shopee còn đầu tư vào hệ sinh thái logistics và mở rộng kho để đảm bảo giao hàng nhanh, duy trì vị trí dẫn đầu về tốc độ giao hàng và độ tin cậy, đặc biệt ở khu vực xa trung tâm.

Đặc biệt, Lazada với tính năng GenAI và TikTok Shop với hình thức “Shoppertainment” đã tạo nên sức hút riêng. Lazada giúp người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm qua tính năng tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh, cá nhân hóa các đề xuất phù hợp. TikTok Shop, với các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí, nhanh chóng thu hút sự yêu thích của giới trẻ - những người đam mê trải nghiệm mua sắm trực tuyến tương tác.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các sàn cũng đặt ra thách thức lớn. Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhận định: "Để tồn tại và phát triển, các nền tảng TMĐT phải không ngừng nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu chi phí vận hành. Việc chỉ dựa vào chiến lược giảm giá để thu hút khách hàng sẽ không mang lại hiệu quả bền vững dài hạn". Điều này đòi hỏi các nền tảng phải có chiến lược bền vững hơn, cải tiến các dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng.

Dự báo cho năm 2025, TMĐT Việt Nam sẽ duy trì đà phát triển, mục tiêu đạt 39 tỷ USD nhờ chiến lược linh hoạt và đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, khi cạnh tranh ngày càng gay gắt, các sàn TMĐT phải cải tiến dịch vụ và mang đến giá trị thực sự cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, việc nắm bắt công nghệ và nâng cao trải nghiệm sẽ là yếu tố then chốt để các nền tảng giữ vững vị trí trong cuộc đua này.

Hải Yên/Báo Tin tức
Tầm nhìn phát triển dài hạn với TMĐT xuyên biên giới của doanh nghiệp Việt
Tầm nhìn phát triển dài hạn với TMĐT xuyên biên giới của doanh nghiệp Việt

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, chia sẻ về các cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia TMĐT xuyên biên giới; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục nắm bắt nhu cầu thị trường để cải tiến sản phẩm, song song với việc xây dựng thương hiệu bền vững, dài hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN