Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 2 mã giảm, trong khi 25 mã còn lại ở chiều tăng giá; trong đó, VIB tăng hết biên độ. Các mã khác như: EIB tăng 6,7%, LPB tăng 6,3%, BID tăng 6%, KLB tăng 5,1%, STB tăng 4,9%, CTG tăng 4,3%, OCB tăng 4,2%, HDB tăng 3,9%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đua nhau tăng trần. Các mã API, BII, CEO, DIG, FLC, HAR, LDG, NVT, PFL, PTL tăng hết biên độ. Sắc xanh lan tỏa trong nhóm cổ phiếu dầu khí khi các mã BSR, OIL, PLX, PTV, PVC, PVD, PVS, TOS đều ở chiều tăng giá.
Ngoài ra, VN-Index còn nhận được trợ lực từ các cổ phiếu đầu ngành như: FPT tăng 3,7%, GAS tăng 1,4%, MWG tăng 1,8%, MSN tăng 0,9%
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thủy sản diễn biến khá tiêu cực. Thậm chí ANV còn giảm kịch sàn. Các mã AAM, ABT, ACL, CMX, FMC, VHC đều ở chiều giá đỏ. Cùng đó, nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất cũng ở chiều giảm giá. Cụ thể, BFC, CSV, DCM, DGC, DPM, DPR, DRG… ở chiều giá đỏ.
Thực tế, trong những phiên gần đầy, nhóm cổ phiếu phân bón trong xu hướng giảm do thông tin giá phân bón hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tại thị trường trong nước, giá phân urê vào giữa tháng 6/2022 đã giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm; trong đó, giá urê Phú Mỹ và urê Cà Mau bán buôn cho các đại lý từ mức 17 triệu đồng/tấn vào hồi đầu năm thì đến nay đã giảm xuống còn 15 triệu đồng/tấn.
Tại các cửa hàng bán lẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long, so với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali… đã giảm ít nhất từ 20.000-50.000 đồng/bao 50kg. Trên thị trường thế giới, giá urê bình quân tháng 1/2022 là 18,7 triệu đồng/tấn, đến tháng 5 đã giảm chỉ còn 16,45 triệu đồng/tấn.
Hiện giá chào thầu phân urê hạt đục trên thế giới (giá FOB- giá đã bao gồm chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) vào ngày 16/6 (lấy theo bình quân 4 thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á và Trung Quốc) là 547 USD/tấn. Đáng chú ý, giá phân urê hạt đục của Sơn Đông, Trung Quốc chào thầu ngày 16/6 chỉ còn 448 USD/tấn, giảm hơn 1 nửa so với tháng 1/2022.
Về giao dịch khối ngoại, hôm nay nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Cụ thể, khối ngoại mua ròng hơn 155 tỷ đồng trên HOSE và 21 tỷ đồng trên HNX, trong khi chỉ bán ròng hơn 120 triệu đồng trên UPCOM.
Các mã được mua ròng nhiều nhất trên HOSE là CTG với giá trị gần 107 tỷ đồng, tiếp đến MSN được mua ròng gần 68 tỷ đồng, DPM được mua ròng hơn 47 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/6, VN-Index tăng 15,28 điểm lên 1.218,1 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 588,3 triệu đơn vị, tương ứng gần 14.426 tỷ đồng. Toàn sàn có 326 mã tăng giá, 136 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 3,45 điểm lên 283,87 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 72,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.492 tỷ đồng. Toàn sàn có 130 mã tăng giá, 66 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,87 điểm lên 89,01 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 62 triệu đơn vị, tương ứng gần 991 tỷ đồng. Toàn sàn có 203 mã tăng giá, 99 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.