Phiên này tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong giảm điểm ngay cả khi các công ty công nghệ tiếp tục hưởng lợi từ hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc sắp kết thúc việc siết chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ trong nước.
Theo đó, chỉ số Hang Seng giảm 0,66% (tương đương 145,54 điểm) xuống 21.869,05 điểm. Tại thị trường Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite mất 0,76% (24,84 điểm) xuống 3.238,95 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc kéo dài chuỗi giảm sang phiên thứ ba liên tiếp, phần lớn là do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước khi Mỹ công bố số liệu lạm phát mới nhất vào cuối tuần này. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,03% (0,71 điểm) và đóng cửa ở mức 2.625,44 điểm.
Các thị trường Sydney, Singapore, Taipei, Manila và Wellington cũng chìm trong sắc đỏ.
Một điểm sáng hiếm hoi trên bản đồ chứng khoán châu Á là Nhật Bản, chủ yếu do đồng yen ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ vì chính sách tiền tệ của Mỹ và Nhật Bản nới rộng sự khác biệt. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo kết thúc phiên 9/6 nhích 0,04% (12,24 điểm) lên mức 28.246,53 điểm.
Chứng khoán Mumbai, Jakarta và Bangkok cũng tăng điểm.
Một yếu tố ảnh hưởng tới thị trường châu Á trong phiên này là việc chứng khoán Phố Wall lại giảm điểm sau thông tin lượng dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ đi xuống. Thông tin này được đưa ra ngay khi mùa cao điểm lái xe tại nước này bắt đầu, trong khi một thành viên hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng hơn nữa khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Càng đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư là việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) điều chỉnh giảm mạnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu và tăng gấp đôi dự báo lạm phát.
Trong khi đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các quan chức dự kiến chỉ số giá tiêu dùng được công bố vào ngày thứ Sáu sẽ "tăng cao". Bình luận đó đã làm gia tăng đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đi theo con đường “diều hâu” và tăng lãi suất thêm nửa điểm trong ít nhất ba cuộc họp nữa trong năm nay, khi cơ quan này cố gắng kiểm soát lạm phát giảm xuống từ mức cao nhất trong bốn thập kỷ.
Các nhà phân tích cho biết thị trường chứng khoán hiện chỉ có thể phục hồi khi giá dầu thô - nguyên nhân chính gây ra lạm phát kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát - được kiểm soát.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/6, chỉ số VN - Index giảm 0,11 điểm (0,01%) xuống 1.307,8 điểm. HNX - Index ngược lại tăng 1,81 điểm (0,58%) lên 312,74 điểm.