Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 11/2

Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong phiên giao dịch 11/2, sau khi chứng kiến đà bán tháo trên Phố Wall trong phiên trước đó, do các chỉ số phản ứng với báo cáo về lạm phát của Mỹ, càng "thổi bùng lên" kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tích cực hơn với chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chú thích ảnh
Bảng điện tử chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN

Trong khi thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa nghỉ lễ thì tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc kết thúc phiên này trong sắc đỏ, dứt chuỗi ba ngày đi lên liên tiếp khi giảm 24,22 điểm (0,87%), xuống 2.747,71 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt mất điểm, sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tăng vượt dự báo. Hai chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt hạ 17,69 điểm (0,07%) và 22,69 điểm (0,66%), xuống các mức 24.906,66 điểm và 3.462,95 điểm.

Bộ Lao động Mỹ ngày 10/2 công bố số liệu cho thấy giá tiêu dùng tại nước này đã tăng 7,5% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 1/2022, mức tăng chưa từng thấy kể từ tháng 2/1982. Theo Bộ trên, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 đã tăng 0,6% so với tháng 12/2021, và lớn hơn so với mức mà các nhà phân tích đưa ra. Giá cả đã tăng 7% trong suốt năm 2021 trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng mạnh và thiếu hụt các thành phần quan trọng, thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách của Fed.

Ngân hàng này đang đánh đi tín hiệu mạnh mẽ về việc sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuộc họp tháng 3 tới. Số liệu CPI mới nhất này củng cố quan điểm rằng, giá đang tăng ở nhiều loại mặt hàng và tăng nhanh hơn so với tháng trước đó.

Chứng khoán Mỹ ngay lập tức "lao dốc" trước thông tin này. Cho dù thị trường đã phục hồi vào giữa phiên song nhận định của một số quan chức Fed đã "đánh gục" Phố Wall. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard mong muốn Fed tăng lãi suất lên mức 1% vào tháng 7 tới. Bình luận của ông Bullard đã làm dấy lên lo ngại rằng kế hoạch thắt chặt chính sách của Fed có thể quyết liệt hơn và sớm hơn dự kiến do áp lực lạm phát dai dẳng.

Các thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương khác gồm Sydney của Australia, Singapore, Wellington của New Zealand, Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Manila của Philippines và Jakarta của Indonesia đều đỏ sàn. Đáng chú ý, thị trường chứng khoán Mumbai của Ấn Độ mất tới hơn 2% trong phiên này.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 11/2, VN-Index giảm 5,08 điểm, xuống 1.501,71 điểm. Toàn sàn có 211 mã tăng, 226 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,35 điểm, xuống 426,89 điểm. Toàn sàn có 133 mã tăng, 99 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,1 điểm, xuống 112,54 điểm.

Mặc dù, chỉ số VN-Index giảm trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng tính chung cả tuần, chỉ số này vẫn tăng 22,75 điểm so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Đây là xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều năm trở lại đây.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)
Phiên 9/2, chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp 
Phiên 9/2, chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp 

Trong phiên giao dịch 9/2, thị trường chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp nhờ tâm lý lạc quan hơn của nhà đầu tư và chuyển biến tích cực của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi báo cáo quan trọng về tỷ lệ lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN