Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 3.700 tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 10% so với tuần trước đó.
Đà tăng chủ yếu đến từ nhóm năng lượng và kim loại. Trong khi đó, giá nông sản cho thấy xu hướng hạ nhiệt sau tuần tăng mạnh trước đó.
Giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp, cao nhất trong hơn 3 tháng
Cả hai mặt hàng dầu thô WTI và Brent đã kết thúc tuần giao dịch ngày 24/7 – 30/7 với mức tăng giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 4, kéo dài chuỗi tăng tuần thứ 5 liên tiếp. Theo MXV, nguồn cung thu hẹp, trong khi nhu cầu tại các nước tiêu thụ hàng đầu có dấu hiệu tích cực đã thúc đẩy lực mua.
Thêm vào đó, báo cáo tăng trưởng kinh tế quý II tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu cao hơn kỳ vọng cũng góp phần hỗ trợ tâm lý cho thị trường. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 4,55%, đóng cửa tuần với mức giá 80,58 USD/thùng, cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Dầu Brent tăng 4,36% lên mức 84,41 USD/thùng.
Xuất khẩu dầu thô của Nga từ các cảng Baltic và Biển Đen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7
tháng khi Moscow thực hiện cắt giảm xuất khẩu. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Nga sẽ tuân thủ việc cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 8, đóng góp vào mức thâm hụt trên thị trường và hỗ trợ giá dầu.
Bên cạnh đó, theo 5 nhà phân tích được Reuters trích dẫn cho biết, Saudi Arabia dự kiến sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa, bao gồm cả tháng 9, để hỗ trợ thêm cho thị trường dầu mỏ.
Dấu hiệu thắt chặt nguồn cung đang xuất hiện ở cả thị trường vật chất và tài chính. Tại Mỹ, tồn kho tại trung tâm lưu trữ quan trọng của Mỹ ở Cushing, bang Oklahoma, đã giảm 7,5 triệu thùng trong 4 tuần qua, đẩy kho dự trữ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.
Các nhà khai thác cũng hạn chế việc mở rộng các giàn mới. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 5 xuống 664 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 28/07, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Như vậy, các công ty năng lượng của Mỹ trong tháng 7 đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu trong tháng thứ 8 liên tiếp.
Theo các nhà phân tích của Ngân hàng UBS, thị trường dầu mỏ đang thiếu nguồn cung và điều này khiến các chuyên gia kỳ vọng dầu Brent sẽ tăng lên 85-90 USD trong những tháng tới.
Trong khi nguồn cung có dấu hiệu hạn chế thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô, thì tăng trưởng của các nền kinh tế lớn tích cực hơn kỳ vọng cũng góp phần đưa giá dầu lên mức cao nhất trong 3 tháng.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II đạt mức tăng 2,4% so với quý đầu năm, đánh bại mức tăng dự báo 1,8%. Một số nền kinh tế hàng đầu của khu vực đồng Euro đã ghi nhận khả năng phục hồi ngoài mong đợi trong quý II, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha với các mức tăng trưởng GDP lần lượt là 0,5% và 0,4% so với quý đầu năm, cao hơn so với kỳ vọng.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, các nhà lãnh đạo cũng cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách kinh tế sau loạt dữ liệu yếu kém, đem lại tâm lý lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu nửa cuối năm và hỗ trợ cho giá.
Kim loại quý thất thế, kim loại cơ bản diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên tuần giao dịch cuối cùng của tháng 7, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim giảm tuần thứ hai liên tiếp khi giảm lần lượt 1,45% xuống 24,49 USD/ounce và 2,93% xuống 943,7 USD/ounce.
Tương tự thị trường dầu thô, thị trường tài chính được hỗ trợ bởi loạt dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ. Theo đó, nhóm kim loại quý phải chịu sức ép bởi đồng USD mạnh lên khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, cùng với đó, vai trò trú ẩn của nhóm bị thất thế trong bối cảnh vĩ mô tích cực.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi sau tuần giảm mạnh trước đó, với mức tăng 2,84% lên 3,92 USD/pound. Trong khi giá quặng sắt lao dốc 4,53% xuống 108,51 USD/tấn, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của giá sắt trong vòng 2 tháng.
Giá đồng COMEX nhận được hỗ trợ kép từ yếu tố Trung Quốc và bối cảnh vĩ mô lạc quan. Tại Trung Quốc, sau cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra vào thứ Hai, các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế.
Đà tăng của giá đồng trong thời gian gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi những kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra các biện pháp để giúp ổn định tăng trưởng kinh tế. Do đó, trước tin tức tích này, nhà đầu tư trở nên lạc quan và tăng cường mở vị thế mua. Hơn nữa, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, lo ngại suy thoái kinh tế giảm bớt tại Mỹ cũng giúp củng cố sức mua đồng.
Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục phải chịu tác động tiêu cực khi Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm sản lượng thép trong tháng 7. Quặng sắt vốn là nguyên liệu chính để sản xuất thép, vì thế tin tức này khiến cho triển vọng tiêu thụ đối với quặng sắt yếu đi và kéo theo sự sụt giảm của giá.
Bên cạnh đó, trong khi nhu cầu còn hạn chế, nguồn cung sắt được dự báo sẽ ổn định trong trung hạn, điều này đã làm gia tăng áp lực bán quặng sắt trong tuần qua. Cụ thể, 4 tập đoàn khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới bao gồm Rio Tinto, Vale SA, BHP Group và Fortescue đều đưa ra dự báo sản lượng quặng sắt của họ sẽ tăng khoảng 2 – 3% trong năm tới.
Thị trường năng lượng, kim loại dự kiến tiếp tục biến động mạnh
MXV nhận định trong tuần này, hàng loạt các dữ liệu quan trọng phản ánh tiềm lực tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và khu vực châu Âu dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường hàng hoá, đặc biệt là nhóm kim loại và năng lượng.
Sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu tăng trưởng GDP cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế chậm trong quý II, thị trường sẽ tiếp tục mong đợi thước đo về năng lực sản xuất và phi sản xuất, phản ánh qua chỉ số quản trị mua hàng PMI tháng 7 công bố vào đầu tuần. Trong trường hợp PMI sản xuất vẫn ở dưới ngưỡng 50, phản ánh sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy, giá hàng hoá có thể sẽ đối diện với áp lực.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu sản xuất tương tự, sẽ tác động đáng kể tới xu hướng giá trong tuần.
Bên cạnh đó, dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp Mỹ trong tháng 7, phản ánh bức tranh về thị trường lao động trong điều kiện lãi suất cao, dự kiến sẽ ảnh hưởng tới đồng USD và giá các mặt hàng, đặc biệt là nhóm kim loại vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ.
Thị trường đang gia tăng kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ khi dữ liệu việc làm vẫn đang tích cực. Nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở quanh mức thấp 3,5%, sự lạc quan của thị trường cũng sẽ hỗ trợ cho giá nguyên liệu đầu vào sản xuất như dầu thô, đồng, sắt thép,… trong khi kim loại quý như bạc và bạch kim có thể chịu áp lực bởi sức mạnh của đồng USD và vai trò trú ẩn an toàn không thể phát huy.