Nhóm nông sản dẫn dắt xu hướng chung của thị trường với 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt đón nhận lực mua tích cực. Trong khi đó, cả 3 nhóm mặt hàng còn lại ghi nhận diễn biến giá phân hoá, chốt ngày chỉ biến động nhẹ so với mức tham chiếu.
Thị trường nông sản phục hồi mạnh
Chốt ngày 13/9, giá lúa mì ghi nhận mức tăng mạnh gần 2%. MXV cho biết, đà tăng của lúa mì được duy trì khi thị trường đón nhận thông tin kém khả quan về triển vọng nguồn cung toàn cầu.
Cụ thể, kết quả khảo sát cuối cùng của FranceAgriMer cho biết trọng lượng thử nghiệm trong lúa mì mềm năm nay tại Pháp thấp hơn so với dữ liệu sơ bộ được công bố vào tháng trước. Nguyên nhân là do thời tiết ẩm ướt vào cuối tháng 7 đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cây trồng tại miền Bắc nước Pháp, nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất của EU. Theo đó, lo ngại về nguồn cung từ quốc gia này đã thúc đẩy giá lúa mì tăng trong phiên tối qua.
Tại biển Đen, hoạt động xuất khẩu của Ukraine liên tục đón nhận tin xấu cũng đẩy giá trong phiên vừa rồi. Cụ thể, Hungary mới đây đã đồng ý với Romania, Slovakia và Bulgaria rằng bốn nước này sẽ gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa. Nếu EU không có hành động này lệnh cấm sẽ hết hạn vào 15/9. Trong khi đó, Kiev cũng cho biết hơn 100 cơ sở cảng của họ đã bị hư hại và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này bị gián đoạn kể từ sau khi Moscow rút khỏi thỏa thuận. Nước này cho biết xuất khẩu ngũ cốc trong 13 ngày đầu tháng 9 chỉ đạt 783.000 tấn, giảm mạnh so với mức 1,5 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Cùng chung xu hướng, giá ngô quay trở lại hồi phục sau phiên sụt giảm sâu trước đó, đóng cửa với mức tăng hơn 1%. Mặc dù diễn biến ảm đạm và suy yếu nhẹ trong phiên sáng hôm qua, nhưng giá ngô đã nhanh chóng khởi sắc trong phiên tối nhờ những thông tín hiệu tích cực trong tiêu thụ nội địa tại Mỹ.
Theo dữ liệu từ Báo cáo Dầu khí hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho ethanol của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 8/9 đạt 21,17 triệu thùng, giảm 450.000 thùng so với một tuần trước. Hơn nữa, sản lượng ethanol của Mỹ trong tuần đánh giá đạt 1,04 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 1,01 triệu thùng/ngày của tuần trước đó. Báo cáo của EIA phản ánh nhu cầu ethanol tại Mỹ ổn định ở mức cao trên 1 triệu thùng trong 3 tháng gần đây. Điều này đã tác động tích cực lên giá ngô, mặt hàng được sử dụng làm nguyên liệu chính trong sản xuất ethanol.
Đồng USD mạnh lên gây sức ép cho giá kim loại quý
Đóng cửa ngày giao dịch 13/9, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều giảm giá với giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 0,94% xuống 23,18 USD/ounce, chấm dứt chuỗi tăng hai phiên liên tiếp. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 905,2 USD/ounce sau khi giảm 0,83%. Giá vàng giảm 0,36% chốt phiên tại 1.906,3 USD/ounce.
Theo MXV, đồng USD duy trì đà tăng sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát trong phiên hôm qua, điều này khiến giá bạc và bạch kim chịu sức ép do chi phí đầu tư đắt đỏ hơn.
Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đã tăng cao trong tháng 8 theo giá xăng dầu và chi phí trú ẩn tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) tháng 8 của Mỹ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1% so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và tăng nhanh hơn so với mức 3,2% trong tháng trước.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI lõi tháng 8 của Mỹ (trừ biến động giá của các mặt hàng năng lượng và thực phẩm) tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đúng với dự báo của các chuyên gia kinh tế và hạ nhiệt từ mức 4,7% của tháng 7.
Mặc dù CPI lõi là chỉ số được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quan tâm hơn đã có dấu hiệu hạ nhiệt như dự báo, nhưng lạm phát tổng thể tăng mạnh trở lại làm dấy lên lo ngại Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều này khiến đồng USD tiếp tục tăng với chỉ số Dollar Index tăng lên 104,77 điểm, gây sức ép tới giá bạc và bạch kim.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX chỉ nhích nhẹ 0,03%, trong khi giá quặng sắt tăng 0,31%, chốt tại mức 119,42 USD/tấn.
Trong phiên sáng, giá đồng biến động khá giằng co khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ. MXV cho biết, lo ngại lĩnh vực bất động sản yếu kém của Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên triển vọng tiêu thụ đồng. Theo Bloomberg, nhu cầu mua nhà tại Trung Quốc đang giảm dần sau đợt hồi phục tích cực nhờ các biện pháp kích thích của Chính phủ.
Tuy vậy, giá phục hồi nhẹ trong phiên tối khi một số nhà đầu tư phản ứng tích cực với số liệu lạm phát của Mỹ. Với CPI lõi hạ nhiệt như dự báo, nhà đầu tư gần như chắc chắn Fed sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9.
Trên thị trường quặng sắt, giá sắt có xu hướng tích cực khi lực mua tại Trung Quốc tăng nhờ kỳ vọng các nhà máy tăng cường bổ sung hàng để sản xuất trước kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần sắp tới (bắt đầu từ ngày 29/9). Hiện tại hầu hết các nhà máy đều có lượng tồn kho sắt thấp.
Hiện khối lượng giao dịch quặng sắt tại các cảng lớn được khảo sát đã tăng 37,6% so với cùng kỳ lên 1,56 triệu tấn vào ngày 12/9. Trong khi đó tồn kho hàng tuần giữa các nhà máy ở mức 85,32 triệu tấn tính đến ngày 8/9, giảm 0,5% trong tuần và 12% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Mysteel.
Ngoài ra, sản xuất thép ổn định tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới và nhập khẩu khoảng 70% quặng sắt toàn cầu, cũng giúp củng cố lực mua quặng sắt cho sản xuất thép.
Dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho thấy sản lượng thép thô hàng ngày của các nhà máy thép thành viên đạt khoảng 2,16 triệu tấn trong 10 ngày 1-10/9, tăng 5,53% so với 10 ngày trước đó.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận sáng nay 14/9, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục đi ngang sau lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 6/9. Sau 19 lần giảm liên tiếp kể từ đầu năm nay, sản phẩm thép cuộn CB240 tại miền Bắc và miền Trung dao động quanh mức 13,43 triệu đồng/tấn, trong khi ở miền Nam có giá bán khoảng 13,53 triệu đồng/tấn.