Theo ông Đời, với giá này, người nuôi có thể thu lãi từ 6.000 - 7.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu.
Gia đình ông Năm Đời hiện có 20 ha mặt nước nuôi cá tra theo mô hình thâm canh mỗi năm đạt sản lượng từ 5.000 tấn đến 6.000 tấn cá tra nguyên liệu. Thời điểm này, khi giá cá tra nguyên liệu đang thiết lập đỉnh giá mới sau một thời gian khá dài tụt giảm mạnh, gia đình ông Năm Đời chuẩn bị thu hoạch khoảng 2.000 tấn cá thương phẩm, dự kiến đạt giá trị khoảng 50 tỷ đồng.
Ông Đời đánh giá, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh mang lại niềm phấn khởi cho bà con chuyên ngành nuôi cá tra theo mô hình thâm canh. Theo ông, đây là động lực để thời gian tới nông dân phát huy tốt tiềm năng bãi bồi trên hệ cù lao, cồn bãi sông Tiền đưa vào nuôi thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là cá tra - vật nuôi có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu quan trọng của địa phương.
Toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 120 ha cá tra trong đó doanh nghiệp chiếm trên 50% diện tích; còn lại là các hộ dân. Cù lao Tân Phong trên sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy là nơi tập trung nhiều hộ nuôi cá tra thâm canh nhất tỉnh.
Theo ông Kiều Mạnh Quân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong, địa phương có vùng nuôi cá tra thâm canh khoảng 70 ha. Ông hy vọng với giá cá tra tăng khá, nghề nuôi cá tra thâm canh phát triển, đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, giải quyết lao động việc làm, thu nhập và an sinh xã hội.
Giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh mang lại tín hiệu vui đầu năm đối với ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Tiền Giang.
Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, để nghề nuôi cá tra thâm canh phát triển một cách bền vững, địa phương khuyến khích nông hộ nuôi theo qui trình GAP (VietGAP, GlobalGAP), tăng cường liên kết sản xuất theo hợp đồng giữa các hộ nuôi và doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, đôi bên cùng có lợi. Hiện nay, có trên 20 ha cá tra của hộ dân nuôi đạt tiêu chí GlobalGAP...