Theo ông Hưng, việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế; phù hợp mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu ngân NSNN, chống gian lận thương mại chuyển giá.
Việc điều chỉnh sắc thuế phải đảm bảo đúng bản chất, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khăn cho doanh nghiệp để tăng thu bền vững. Ảnh minh họa: Ảnh: Văn Đạt/TTXVN. |
Từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng. Đặc biệt tập trung thu hồi nợ thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN năm 2018. |
Việc cân đối NSNN đảm bảo nguyên tắc: Tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí lớn hơn tổng số chi thường xuyên, góp phần tích lũy cho chi đầu tư phát triển. Số bội chi ngân sách nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển. Các chính sách thu cần tập trung theo hướng mở rộng cơ sở thu phù hợp, bao quát các nguồn thu mới, thông qua công cụ thuế để điều tiết hợp lý các mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, sử dụng (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường), điều tiết các khoản thu nhập, ngành nghề, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân); cải cách chính sách thuế để tương thích với các luật mới đã ban hành như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản…
Đại diện Vụ NSNN khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, sửa đổi những vấn đề bất cập so với thực tế và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đặc biệt chi ngân sách cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thưởng xuyên, điều hành chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; chi trong phạm vi dự toán, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản công.
Để hoàn thành mục tiêu thu NSNN là 1.319.200 tỷ đồng, trong đó phấn đấu thu vượt 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính cho rằng: Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra giải pháp phù hợp với từng lĩnh vưc, địa bàn, đối tượng thu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; tăng cường công tác quản lý giá; thi trường. Đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, liêm chính, thông suốt hiệu quả.
Theo Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách tính đến hết tháng 6/2018, tổng thu ước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của DNNN, thu hồi vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), số thu nội địa còn lại đạt 46,4% dự toán, tăng khoảng 13%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và CPI 6 tháng (7,08% và 3,29%).
Kết quả thu ngân sách như trên cũng được xem là tích cực. Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng dạt thấp so với yêu cầu dự toán (thu từ khu vực DNNN đạt 43,7% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; tiến độ thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khá hơn, nhưng cũng mới đạt 47,8% dự toán.
Trong tổng thu NSNN, thu ngân sách Trung ương ước đạt 46,2% dự toán (cùng kỳ năm ngoái đạt 41,5%); thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán. Riêng về thu nội địa, cả nước có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, cá biệt có một số địa phương thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, đạt thấp, dưới 40% dự toán.