Khoảng 10 ngày qua, lượng người tới gửi tiền tại các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân duy trì ở mức cao. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm vẫn thực hiện giao dịch bình thường. Tình trạng người dân rút tiền dù chưa đến kỳ hạn vẫn diễn ra nhưng nhỏ lẻ nhằm giải quyết khó khăn đột xuất trong cuộc sống.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho thấy, đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng ở Đồng Nai huy động khoảng 170.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cuối năm 2016. Trong số này, tiền gửi bằng đồng Việt Nam chiếm đa số với gần 154.000 tỷ đồng.
Theo cơ cấu, tiền gửi tiết kiệm chiếm đa số với khoảng 110.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cuối tháng 12/2016. Tiền gửi tiết kiệm tăng cao do các tổ chức tín dụng duy trì mức lãi suất theo quy định. Việc gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.
Đến nay, hoạt động cho vay ở Đồng Nai tăng khoảng 19% so với cuối năm 2016, dư nợ gần 157.000 tỷ đồng; trong đó, nợ xấu chiếm 1,15% trên tổng dư nợ. Dòng vốn được điều chỉnh theo cơ cấu tích cực, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên và phù hợp với chủ trương của của Nhà nước như: công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp... Lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp, ổn định, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, thời gian tới, cơ quan này sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với quỹ tín dụng nhân dân được tăng cường, đặc biệt là những quỹ tín dụng yếu kém, sử dụng vốn chưa hiệu quả. Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về lãi suất tại các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cũng tập trung nguồn lực và biện pháp để xử lý nợ xấu, không để nợ xấu gia tăng, đặc biệt là sử dụng dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm.