Giá dầu, vàng và chứng khoán châu Á phiên chiều 15/2: Ngày của những kỷ lục

Giá dầu, vàng và chứng khoán châu Á phiên chiều 15/2 đã có những kỷ lục mới khi đều tăng mạnh.

Giá dầu vẫn gần mức cao nhất kể từ tháng 1/2020

Chú thích ảnh
Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu châu Á trong phiên chiều 15/2 đi lên trước những hy vọng rằng các biện pháp kích thích của Mỹ sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn cầu. Trong phiên này, giá dầu Brent đã tăng 1,3% lên 63,24 USD/thùng. Trước đó, giá dầu châu Á có lúc tăng lên 63,44 USD/thùng trong sáng 15/2, mức cao nhất kể từ ngày 22/1/2020. 

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,9% lên 60,58 USD/thùng. Trước đó, giá dầu WTI đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 là 60,77 USD/thùng trong sáng 15/2. 

Giá dầu đã tăng trong mấy tuần vừa qua khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, bao gồm Nga, tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác, trong khi Saudi Arabia cũng cho biết sẽ đơn phương giảm khai thác bắt đầu từ tháng Hai này. Mặc dù vậy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung ứng dầu mỏ vẫn vượt xa so với nhu cầu trên toàn cầu, dù cho vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dự báo sẽ giúp nhu cầu nhiên liệu phục hồi.

Giá vàng châu Á giảm nhẹ trong khi bạch kim lập kỷ lục mới

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng châu Á giao ngay trong phiên chiều 15/2 đã giảm 0,4% xuống còn 1.816 USD/ounce, chịu áp lực khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt, đạt mức đỉnh của gần 11 tháng vào hôm 12/2. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,3% xuống 1.818,10 USD/ounce.

Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường tại công ty tư vấn CMC Markets cho biết: “Trong bối cảnh có rất nhiều dự đoán lạc quan về tăng trưởng kinh tế, tính an toàn của vàng không còn được ưu tiên như trước đây”.

Trong khi đó, thị trường kim loại quý cũng chứng kiến một kỷ lục khác khi giá bạch kim tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm, được thúc đẩy bởi những dự đoán về tình trạng thâm hụt trong cán cân cung cầu đối với kim loại công nghiệp này, và những hy vọng về đà phục hồi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu. Theo đó, giá bạch kim đã tăng 2,4% lên 1.282,55 USD/ounce vào lúc 17 giờ 07 phút ngày 15/2 (theo giờ Việt Nam). Trước đó, giá kim loại quý này đã chạm mức 1.288,50 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 1/2015.

Chỉ số Nikkei 225 vượt ngưỡng 30.000 điểm lần đầu tiên sau 30 năm

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch Chứng khoán Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên giao dịch chiều ngày 15/2 chứng kiến chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) đóng cửa ở trên mốc 30.000 điểm lần đầu tiên sau hơn 30 năm, giữa bối cảnh tâm lý giới đầu tư được củng cố bằng kỳ vọng tích cực về các biện pháp kích thích kinh tế của nước Mỹ, số liệu tăng trưởng trong nước mạnh mẽ và việc Chính phủ Nhật Bản đã chính thức phê duyệt vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 1,91% lên 30.084,15 điểm – mức cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 2/8/1990. Trong khi đó, các thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) đều đóng cửa nghỉ lễ.

Toshikazu Horiuchi, chuyên gia môi giới tại công ty chứng khoán IwaiCosmo Securities, nhận định: “Ngưỡng 30.000 điểm dù chỉ mang tính biểu tượng song vẫn là một mốc tham chiếu”. Theo chuyên gia này, “tâm lý thị trường tại Nhật Bản đang được hỗ trợ bởi hy vọng về đà phục hồi kinh doanh trước thềm đợt tiêm chủng đầu tiên của quốc gia Đông Á này”.

Các chuyên gia môi giới địa phương cho biết xu hướng tăng vào cuối tuần trước của chứng khoán Mỹ, cùng những hy vọng về các biện pháp kích thích tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tạo ra một lực đẩy tích cực cho chứng khoán châu Á. Bên cạnh đó, những yếu tố như báo cáo tài chính doanh nghiệp mạnh mẽ, triển vọng tích cực của một số doanh nghiệp “cốt cán” và dữ liệu GDP khả quan của Nhật Bản cũng khiến giới đầu tư tự tin hơn.

Phương Nga (TTXVN)
Giá dầu và vàng châu Á đều đi xuống
Giá dầu và vàng châu Á đều đi xuống

Kết thúc phiên giao dịch chiều 12/2, giá dầu tại châu Á giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) một lần nữa hạ dự báo nhu cầu năng lượng và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng thị trường "vàng đen" vẫn dư cung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN