Vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 2/7, chỉ số Nikkei 225 thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,1% lên 21.754,27 điểm, còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,2% lên 28.875,56 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shenzhen Component của thị trường Thâm Quyến tăng 0,16% lên 1.619,12 điểm, trong lúc chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,03% xuống còn 3.043,94 điểm.
Theo chuyên gia Stephen Innes của Vanguard Markets, các thương nhân đã nhận thấy rằng họ đã hành động quá sớm trước khi những diễn biến kinh tế xảy ra trên thực tế sau một loạt báo cáo đáng thất vọng về hoạt động chế tạo ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn tác động bất lợi tới niềm tin của các nhà đầu tư.
Trước đó, Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) công bố chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng 6/2019 đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 3 năm, do tác động tiêu cực của nhu cầu yếu kém của các thị trường nước ngoài. Trong khi đó, các số liệu về hoạt động chế tạo của Trung Quốc và châu Âu cũng sụt giảm trong khi chỉ số tương tự của Vương quốc Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013.
Trong khi đó, tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/7, VN – Index tăng 15,67 điểm lên 965,61 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 166,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 3.879 tỷ đồng. Toàn sàn có 216 mã tăng giá, 50 mã đứng giá và 100 mã giảm giá.
HNX – Index tăng nhẹ 0,58 điểm lên mức 104,09 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 29 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 362 tỷ đồng. Toàn sàn có 70 mã tăng giá, 58 mã đứng giá và 61 mã giảm giá.