World Cup bóng đá nữ: Từ một giải không chính thức đến sự kiện phá kỷ lục

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới diễn ra từ ngày 6/6 - 5/7 tại Canada đang trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của giới túc cầu hiện nay. Từ một giải đấu không chính thức Coppa del Mondo tại Italy năm 1970, sự kiện 4 năm tổ chức 1 lần này lớn mạnh tới quy mô toàn thế giới và trở thành một sự kiện với nhiều kỷ lục.

Cuộc chiến dành cho giới nữ

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới tới nay đã qua vòng đấu bảng. Các đại diện góp mặt vào 1/8 đã “lộ diện” là những nền bóng đá nữ phát triển như Brazil, Mỹ, Colombia, Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Anh, Pháp, Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Cameroon và nước chủ nhà Canada.

Lotta Schelin (Thụy Điển) chia sẻ niềm vui với CĐV nhí (FIFA). Ảnh:FIFA


Xem lại lịch sử, bóng đá nữ bắt đầu hình thành tính từ chiếc cúp Coppa del Mondo tại Italy, được tổ chức lần đầu tiên năm 1970. Kể từ sau đó, một loạt các giải đấu tương tự được tổ chức tại Italy vào những năm 1980. Năm 1988, giải bóng đá nữ mở rộng do FIFA tổ chức diễn ra tại Trung Quốc.

Thế nhưng, phải 21 năm sau sự kiện ở Italy, năm 1991, Giải vô địch bóng đá nữ thế giới mới trở thành một sự kiện chính thức khi lần đầu tiên phát triển thành giải đấu toàn cầu. Hơn 20 năm bàn thảo, FIFA mới tổ chức được kỳ World Cup bóng đá nữ chính thức lần đầu tiên tại Trung Quốc. Một chiếc cúp được trao, nhưng trong bối cảnh phải vật lộn để tổ chức, nên Giải vô địch bóng đá nữ thế giới không có... tiền thưởng, không nhà tài trợ và mỗi trận đấu kéo dài 80 phút, được coi là đánh dấu cuộc cách mạng dành cho giới nữ, hơn là một giải đấu vì tiền thưởng. Trận chung kết, cầu thủ Michelle Akers của Mỹ đã ghi 2 bàn thắng vào lưới Na Uy và giành ngôi vô địch. Trớ trêu thay, chẳng mấy người Mỹ biết được thông tin này, bởi thật khó tin, giải đấu khi đó không được truyền thông tại Mỹ.

Năm 1995, Thụy Điển đăng cai tổ chức giải với các trận bóng kéo dài đủ 90 phút nhưng vẫn chưa có tiền thưởng. Kể từ năm 1999, nước Mỹ gắn kết với giải đấu bằng việc đứng ra đăng cai. Số đội tăng từ 12 lên 16 và bằng công tác truyền thông tốt, trận chung kết đón hơn 90.000 khán giả chứng kiến pha ghi bàn của Brandi Chastain trong loạt sút luân lưu, đưa Mỹ lên bục vinh quang. Số lượng khán giả này ở mức kỷ lục cho tới tận ngày nay.

Phải mãi đến năm 2007 tổ chức tại Trung Quốc, các cầu thủ nữ mới có được tổng mức giải thưởng là 5,8 triệu USD, nhưng những pha ăn mừng, những bàn thắng xuất sắc của các cầu thủ nữ đã lưu lại rất nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ.

Sức hấp dẫn của giải đấu nữ ngày càng được khẳng định, đặc biệt tại giải đấu năm 2011 ở Đức, một trong những giải đấu hấp dẫn người hâm mộ bậc nhất trong giới thể thao. Trận chung kết, Nhật Bản đánh bại Mỹ và trở thành đội tuyển châu Á đầu tiên vô địch World Cup. Có khoảng 62,8 triệu khán giả tại 181 quốc gia khắp thế giới được xem trận đấu này. Theo con số thống kê tại Đức, khán giả xem trận đấy này đã nhiều hơn trận đấu của thập kỷ giữa Wladimir Klitschko và David Haye để tranh đai vô địch WBA, giúp Wladimir Klitschko thống nhất 3 đai quyền Anh về một mối. Thêm một kỷ lục nữa trên Twitter đạt kỷ lục 7.196 người đăng tải thông tin mỗi giây, nhiều hơn cả lượng loan tin về đám cưới hoàng tử William và Kate hay tin về cái chết của Osama bin Laden.

Cần tăng tính hấp dẫn

Tuy thế, việc tranh cãi sẽ không bao giờ ngừng về sự quan tâm của thế giới giữa bóng đá nữ và nam. Mức tiền thưởng cho các đội thắng cuộc năm nay sẽ là 13,6 triệu USD. Con số này chỉ là con số lẻ nếu so với mức tiền thưởng 406 triệu USD được dành cho các đội bóng mùa hè trước tại Brazil. Thêm một con số được cho là có một khoảng cách giữa hai giới trong bóng đá, đó là trong 24 đội đến Canada, chỉ có 8 đội là có HLV nữ.

Nói một cách lạc quan hơn, đã có 8 đội bóng bắt đầu một đội bóng nữ một cách thực sự. Bóng đá nữ đang dần tách ra để khẳng định mình nhiều hơn nữa với thế giới.

Tuy nhiên, có một khó khăn đó là lượng người quan tâm đến một sự kiện tầm cỡ thế giới này chưa phải là nhiều. Còn rất xa, số lượng khán giả của các trận bóng đá nữ mới băng được với các trận bóng đá nam. SVĐ Olympic tại Montreal với sức chứa 56.000 khán giả gần như bỏ trống trong trận Tây Ban Nha gặp Costa Rica và sau đó là trận Brazil gặp Hàn Quốc. Dù thông tin chính thức là có hơn 10.000 khán giả đến sân nhưng 1/10 số đó là vé mời.

Ngoại trừ trận khai mạc giữa Canada và Trung Quốc có lượng khán giả đến sân lớn, hơn 53.000 người thì các trận đấu sau may mắn lắm mới lấp được nửa sân. Nếu không, lượng khán giả khoảng hơn 10.000 người cũng đã là cao. Một giải đấu kéo dài trong 30 ngày và mở rộng ra 24 đội có lẽ là lý do làm giảm lượng khán giả trong mỗi trận chứ không phải tăng tính hấp dẫn.

Bình Minh
Thái Lan vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2015
Thái Lan vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2015

Với chiến thắng 3 – 2 trước Myanmar, Thái Lan đã chính thức giành vị trí cao nhất của giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN