Vật Yên Nội nức tiếng gần xa

Cách trung tâm Thủ đô hơn 30 km, Yên Nội là ngôi làng nhỏ thuộc xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Trong mạch ngầm của thời gian, của những công việc đồng áng hàng ngày là mạch truyền thống môn vật đầy tự hào của làng quê ven đê sông Đáy. Ngày 12/2 âm lịch, hàng trăm đô vật lại quy tụ lại sới vật nơi đây để làm thành ngày hội làng Yên Nội.

Hội vật làng Yên Nội được tổ chức chính giữa ao làng, ở khu vực đình làng, đã thu hút hàng ngàn người dân khắp nơi đến xem. Hội vật Yên Nội được tổ chức thường niên vào ngày 12 tháng 2 âm lịch với ý nghĩa giữ gìn và phát triển môn thể thao truyền thống và là sân chơi hấp dẫn trong những ngày đầu xuân. Nói đến sự phát triển, truyền thống vật Yên Nội phải kể đến niềm tự hào vật nữ. Ở một làng quê mà hầu như cả làng từ bé đến cả những người lớn tuổi đều đam mê môn vật thì những miếng cuốn, miếng gồng, miếng móc, miếng lườn, bốc một, bốc hai cũng dần ngấm vào máu những cô gái Yên Nội từ bao giờ. Cả làng có 7.000 dân thì có tới 600 đô vật, trong đó có 15 người là kiện tướng, còn đô vật từng đoạt huy chương vàng, huy chương bạc ở các giải đấu vật cấp tỉnh, thành, quốc gia thì vô số.

Hội vật Yên Nội - nơi ươm mầm những tài năng tương lai.

Cách đây khoảng 400 năm, ở hội mừng đình làng khánh thành, người ta tổ chức đấu vật. Từ đó đến nay, dân Yên Nội nổi tiếng về võ vật và được các làng khác trong vùng nể trọng. Vật dân tộc không tính thắng thua bằng cách tính điểm như các môn vật khác, mà đô vật bị thua sẽ là người bị nhấc bổng hai chân lên trời hoặc bị vật cho "lấm lưng trắng bụng”. Đô vật không chỉ cần có sức khỏe, mà còn phải có sự nhanh nhẹn, chính xác, miếng đánh đa dạng. Tại hội vật, bất kỳ người dân nào cũng có thể tham gia tại chỗ mà không cần đăng ký trước miễn là bảo đảm sức khỏe và hiểu luật.

Đô vật nữ số 1 của Việt Nam là Nguyễn Thị Lụa đã có tấm vé chính thức dự Olympic 2016 nhờ lọt vào chung kết hạng cân 53kg nữ thi đấu vòng loại Olympic 2016 của khu vực châu Á tại Astana (Kazakhstan), sau khi chiến thắng các đối thủ người (Đài Loan) Trung Quốc và Uzbekistan (theo quy định, ở mỗi hạng cân hai VĐV vào chung kết đều giành vé đến Brazil). Đây là lần thứ hai, nữ đô vật sinh năm 1990 đoạt vé tham dự một Thế vận hội, lần đầu vào năm 2012.

Nổi danh nhất phải kể đến niềm tự hào của “thiên hạ đệ nhất làng vật” là Nguyễn Thị Lụa. Tập luyện vật kể từ khi mới 12 tuổi ngay chính trong ngôi trường làng rồi đi lên thi đấu chuyên nghiệp, Lụa sớm giành được chiếc huy chương đầu tiên của Lụa là HCĐ tại Giải trẻ toàn quốc 2004 hạng 43kg. Năm 2006 Lụa giành HCV hạng 48kg Giải trẻ toàn quốc. Năm 2007, Lụa được gọi vào đội tuyển quốc gia và cũng trong năm đó cô xuất sắc đoạt HCĐ Giải trẻ châu Á. Năm 2009 Lụa đoạt HCB Giải trẻ châu Á và HCĐ Giải vô địch châu Á. Chiếc HCB tại Asiad 16 ở Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 11/2010 đánh dấu Lụa ở thời kỳ đỉnh cao thành tích.

Bên ngoài sới vật cũng đông nghẹt phụ nữ. Tiếng hò reo, bình phẩm từng ngón đòn, từng miếng võ hay của họ có khi còn át cả tiếng của cánh đàn ông đang xem hội làng. Niềm vui, sự hào hứng cứ thế lan tỏa ra cả đông đảo khách đến xem hội.

Ở làng Yên Nội, từ những đứa bé cho đến người lớn tuổi đều biết đến vật. Nếu thú vui của đám trẻ trong làng là sau những giờ tan học, rủ nhau lên bờ đê, cởi vội chiếc cặp sách, rồi kéo cao tay áo để làm vài keo vật, so tài cao thấp. Các “đô” lớn tuổi hiện vẫn tấm tắc ngợi khen, kể về những “đô” lừng danh của Yên Nội ngày trước như ông Bảy Phạn có biệt danh "trâu trắng" nổi tiếng với miếng ép ván - khóa tay bẻ lưng, hay “đô” Nguyễn Đình Bảng với ngón "bò" thì không ai nhấc lên được. Lớp kế đó cũng có nhiều tên tuổi nổi tiếng, mà điển hình là vị huấn luyện viên Nguyễn Đình Khinh cùng các đô vật Phí Hữu Tình, Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Văn Công. Chính nơi đây các VĐV vật lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam tham dự Olympic Matxcơva 1980.

Rất nhiều VĐV và HLV vật trên cả nước hiện nay cũng từ Yên Nội mà ra. Yên Nội đóng góp cho nước nhà 15 kiện tướng, còn đô vật từng đoạt huy chương vàng, huy chương bạc ở các giải đấu vật cấp tỉnh, thành, quốc gia thì vô số.

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về vào ngày 12/2 âm lịch, Yên Nội lại tổ chức mở hội đình làng và cùng với đó là hội đấu vật. Hội vật mở 3 ngày, quy tụ hàng trăm đô vật khắp cả nước. Giải vật ở đây nổi tiếng nên giải vật vô địch quốc gia cũng từng được tổ chức tại đây.

Ở vùng đất được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất làng vật” vẫn tiếp tục cho ra lò các đô vật mới, lớp nọ tiếp nối lớp kia. Đám trẻ trong làng theo học vật đang nuôi ước mơ mai này được như ông Khinh, bác Tình, chị Lụa để làm rạng danh cho Yên Nội.

Bài và ảnh: Minh Đăng
Ước mơ của cô gái vàng bộ môn vật Việt Nam thành hiện thực
Ước mơ của cô gái vàng bộ môn vật Việt Nam thành hiện thực

Ước muốn cháy bỏng của cô gái vàng bộ môn vật Việt Nam Lê Thị Huệ ngày nào chỉ đơn giản là có thể đi được trên đôi chân của mình sau vụ tai nạn trong lúc tập luyện chuẩn bị cho Segame 22 hồi tháng 5/2003 đã dần trở thành hiện thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN