Tò mò bóng cửa, bóng gỗ

Bài cuối: Bóng gỗ Việt vươn mình


So với môn bóng cửa của các cụ ông, cụ bà ở Sóc Sơn (Hà Nội), thì bóng gỗ giống với golf hơn. Chính sự phổ biến về luật chơi, chi phí rẻ và không phân biệt lứa tuổi đang giúp bóng gỗ có những bước phát triển mạnh mẽ.

 

Ai cũng có thể chơi


Nằm trong Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội (Mỹ Đình), sân bóng gỗ Hà Nội là nơi tập luyện thường xuyên của những người đang theo đuổi môn thể thao này. Rất nhiều người chơi là các bác đã nghỉ hưu, họ muốn tìm một môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, để rèn luyện sức khỏe, để giải trí và cũng đơn giản về cách chơi, nhất là lại phù hợp với túi tiền. Nhưng số người chơi trẻ tuổi tại đây cũng không ít và họ hiện là lực lượng nòng cốt của CLB bóng gỗ Hà Nội tham gia các giải đấu trong nước cũng như quốc tế.


Bóng gỗ thu hút sự tham gia của nhiều người cao tuổi.


Theo dõi cách chơi của các gậy thủ, thấy bóng gỗ giống với môn golf. Chỉ khác ở chỗ: Với bóng gỗ, từ gậy, bóng đến cầu môn, tất tật đều bằng gỗ. Mỗi người chơi cũng chỉ cần sử dụng một gậy, phù hợp với “size” của mình, thay vì cần tới 13 gậy trong môn golf. Chỉ cần một góc công viên hay một mảnh sân rộng (chiều dài từ 30 - 130 m), cho phép kẻ thành 12 đường đánh (mỗi đường rộng từ 3 - 10 m), là có thể tập luyện và thi đấu bóng gỗ. Sử dụng kỹ thuật của môn golf, quy tắc cơ bản của bóng gỗ cũng là ai đưa bóng vào cầu môn với số gậy ít nhất sẽ thắng. Mỗi lần bóng ra khỏi đường đánh sẽ bị tính thêm một gậy.


Ở đây, nét thú vị nhất của bóng gỗ là hình thù của gậy chơi và cầu môn. Khi sáng tạo ra môn thể thao này vào năm 1990, tay golf Ming Hui Weng người Đài Loan (Trung Quốc) có lẽ không chỉ nghĩ đến việc “bình dân hóa” môn golf, mà ông còn muốn đem đến sự vui vẻ cho tất cả mọi người. Đầu đánh của gậy được tạo dáng hình chai bia, được bọc cao su ở đầu to, nhằm tạo lực đẩy khi đánh. Cầu gôn cũng là hai chai bia gỗ có đinh cắm xuống đất, ở giữa treo một chiếc ly uống bia lộn ngược. Khi bóng đánh trúng cầu môn, chiếc ly sẽ bật ngửa lên trời như chúc mừng bạn đã ghi điểm.


Sau khi được giới thiệu tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007 thông qua ông Hoàng Vĩnh Giang, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, CLB bóng gỗ Hà Nội đã được thành lập vào ngày 9/9/2009. Đây chính là sự kiện đánh dấu sự ra đời của bóng gỗ tại Việt Nam và người có công phát triển môn thể thao này là ông Hà Khả Luân, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, hiện là Chủ tịch CLB bóng gỗ Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng gỗ châu Á.


Sau khi đã có người chơi, bóng gỗ được “bình dân hóa” thêm một bước nữa, với việc các cơ sở sản xuất đồ gỗ tại Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã chế tạo được các dụng cụ chơi. So với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Thái Lan hay Trung Quốc, bộ chơi của Việt Nam có giá thành rẻ hơn (vài trăm nghìn đồng, tùy loại gỗ), khiến mọi người không phải đắn đo nhiều để tiếp cận với môn thể thao này. Cũng nhờ đó, phong trào chơi bóng gỗ đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, như Quảng Ninh, Phú Thọ, Gia Lai, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh…


Hướng tới Asian Beach Games 2016


Thu hút được một lực lượng đông đảo người chơi là các hội viên hội người cao tuổi, tham gia để rèn luyện sức khỏe và giải trí là chính, bóng gỗ còn đang dần được chuyên nghiệp hóa. Số lượng các gậy thủ trẻ đang ngày một tăng và với sự nhanh, nhạy của tuổi trẻ, họ đã đại diện cho bóng gỗ Việt Nam tham dự và đạt được những thành tích nhất định tại các giải đấu quốc tế gần đây.


Đầu tháng 8 vừa qua, giải vô địch bóng gỗ Hà Nội lần thứ 4 - năm 2013 đã được tổ chức, với sự tham dự của 50 gậy thủ. Trước đó, giữa tháng 4/2013, giải vô địch bóng gỗ bãi biển lần thứ nhất cũng đã diễn ra sôi nổi tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), thu hút trên 40 vận động viên. Những ngày đầu tháng 10 này, đội tuyển trẻ của CLB bóng gỗ Hà Nội đã lên đường sang Đài Loan (Trung Quốc) dự giải bóng gỗ châu Á lần thứ 8.


Việc các giải bóng gỗ đang thường xuyên được tổ chức tại Việt Nam, cũng như việc chúng ta đang tích cực tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có phong trào bóng gỗ phát triển mạnh ở châu lục, chính là cơ sở để tin tưởng vào sự phát triển của bộ môn này tại Việt Nam, như ông Hà Khả Luân từng thành công với các môn cầu mây, bi sắt, bowling…


Mục tiêu quan trọng của bóng gỗ Việt Nam là Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016 (Asian Beach Games 5), sẽ diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa). Vì thế, trong năm 2014, Việt Nam sẽ có đội tuyển tham dự Asian Beach Games 4 tại Phuket (Thái Lan). Ngoài ra, bóng gỗ Việt Nam cũng luôn sẵn sàng lực lượng VĐV cho đấu trường SEA Games những năm tới, bởi môn bóng gỗ trên cỏ từng có mặt trong chương trình thi đấu tại SEA Games 2007 (Thái Lan).


Từ một trò chơi “dành cho người già”, bóng gỗ đơn sơ, mộc mạc đang sắp sửa nắm “vận mệnh” huy chương của Thể thao Việt Nam ở các đấu trường quốc tế. Mừng lắm thay!


Mục tiêu quan trọng của bóng gỗ Việt Nam là Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016 (Asian Beach Games 5), sẽ diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa). Vì thế, trong năm 2014, Việt Nam sẽ có đội tuyển tham dự Asian Beach Games 4 tại Phuket (Thái Lan). Ngoài ra, bóng gỗ Việt Nam cũng luôn sẵn sàng lực lượng VĐV cho đấu trường SEA Games những năm tới, bởi môn bóng gỗ trên cỏ từng có mặt trong chương trình thi đấu tại SEA Games 2007 (Thái Lan).



Bài và ảnh: Bảo An

Tuổi 80 vui bóng cửa
Tuổi 80 vui bóng cửa

Chỉ với một chiếc gậy, cùng vài trái bóng nhựa, thế thôi cũng đủ khiến cho các cụ già đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” phải mê mẩn.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN