Thương hiệu 'Nữ hoàng marathon'

Màn trình diễn ấn tượng trên đường chạy marathon tại SEA Games 27 đang giúp đổi thay cuộc sống của vận động viên Phạm Thị Bình.


Chiến thắng số phận


Cuộc đời “cô gái chân đất” Phạm Thị Bình trên đường chạy marathon là một câu chuyện dài đầy cảm động. Là con thứ năm trong một gia đình thuần nông nghèo Quảng Ngãi, có bảy anh chị em, từ nhỏ Bình và gia đình đã phải vất vả mưu sinh. Năm 2003, khi lên 14 tuổi, lối rẽ mới đã mở ra cho Bình: Cô được gọi vào đội tuyển điền kinh huyện Bình Sơn tham dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Ngãi và giành Huy chương Đồng. Giàu nghị lực, lại đam mê với đường chạy, sau đó Bình đã tiến bộ rất nhanh. Năm 2004, Bình giành Huy chương Vàng nội dung 10.000 m tại giải điền kinh trẻ quốc gia, một điều chưa từng có tiền lệ đối với một VĐV mới chỉ được tập huấn 6 tháng.

 

Phạm Thị Bình là biểu tượng của tinh thần vượt khó.
Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN


Tuy nhiên, đúng vào năm tròn 20 tuổi, Bình phải nhận một cú sốc lớn: Cô bị phát hiện dị tật tim và đứng trước nguy cơ phải giải nghệ để cứu lấy tính mạng. Gia đình cô khi đó không biết phải xoay sở ra sao để có tiền cho Bình chữa bệnh. Nhưng vào thời điểm khó khăn tột cùng đó, nhờ sự hỗ trợ của “Quỹ vì những trái tim bé bỏng” do nhà thơ Thanh Thảo khởi xướng, Bình lại có thể trở lại thi đấu, sau ca phẫu thuật thành công vào năm 2010. Đây là sự may mắn cho cá nhân cô gái quê đất Quảng, lẫn cho thể thao Việt Nam.


Hình ảnh Phạm Thị Bình, nhỏ nhắn, với đôi chân trần, cán đích đầu tiên ở cự ly 42 km vô cùng khắc nghiệt tại SEA Games 27 vừa qua vẫn đọng lại trong tâm trí người hâm mộ. Chiến công này cũng là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Bình, cuối cùng cô đã trở thành “Nữ hoàng marathon” Đông Nam Á; sau khi chỉ giành HCB (10.000 m) và HCĐ (marathon) tại kỳ SEA Games cách đây 2 năm,.


Nỗ lực vượt qua bệnh tật để giành vinh quang của Bình đã được tưởng thưởng xứng đáng. Sau SEA Games 27, ngoài 45 triệu đồng cho thành tích giành HCV theo quy định của Nhà nước, cô còn được tỉnh Quảng Ngãi tuyên dương, tặng bằng khen, cùng với số tiền thưởng 45 triệu đồng.


Cơ hội đổi đời


Thành công tại SEA Games 27 cũng mở ra cơ hội để Bình cải thiện cuộc sống, khi cô đang được một số địa phương như Bình Phước, Đà Nẵng hay Ninh Bình mời về đầu quân, với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 8 triệu đồng/tháng trong năm 2014 mà Trung tâm Thể dục thể thao Quảng Ngãi (đơn vị quản lý Bình hiện nay) hứa hẹn trả, nếu Bình đồng ý ký hợp đồng mới. Năm nay đã 25 tuổi, lại rất cần có tiền để học nốt năm cuối tại Đại học TDTT Đà Nẵng và phụ giúp gia đình, nên Bình hoàn toàn có quyền lựa chọn đến nơi nào có chế độ đãi ngộ tốt hơn, giống như rất nhiều trường hợp khác trong làng điền kinh, như Vũ Thị Hương (quê Thái Nguyên, hiện khoác áo An Giang), Đỗ Thị Thảo (quê Sơn La, hiện khoác áo Hà Nội)...


Ấn tượng về Bình lớn đến nỗi, mới đây, cô được hãng xe máy Yamaha của Nhật Bản mời làm “đại sứ thương hiệu” trong năm 2014. Lý do họ chọn Bình không phải vì cô có những nét quyến rũ trên đường chạy, mà điều quan trọng nhất là Bình đã cho thấy sự bền bỉ, khả năng vượt khó để trở thành biểu tượng thành công, với hình ảnh đôi chân trần băng băng tiến về đích.


Từ trước tới nay, chưa có một VĐV điền kinh nào của Việt Nam được một doanh nghiệp không kinh doanh thể thao mời làm “đại sứ thương hiệu”, kể cả 2 “nữ hoàng” nổi danh là Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng. VĐV chạy cự ly trung bình Thanh Hằng từng nhận lời của hãng đồ thể thao Adidas, ký hợp đồng ngắn hạn 3.000 USD/năm, kèm theo hỗ trợ trang phục thi đấu trong thời điểm cô tham dự Asiad 2010.


Chia sẻ với chúng tôi, Bình vẫn giữ vẻ hồn nhiên, chân chất như ngày mới vào làng chạy: “Họ mời tôi làm quảng cáo, nhưng phải rất lâu sau tôi mới nhận lời. Chạy trên sân là một chuyện, còn chụp hình, rồi làm người mẫu ảnh cho hãng xe, là một chuyện khác. Sau khi tính toán kỹ, tôi mới nhận lời vào TP Hồ Chí Minh thương thảo và sẽ ký kết hợp đồng vào ngày 26/1 này. Còn nhiều điều khoản ràng buộc, nhưng tôi tự tin khi nhận lời mời của họ và sẽ cố gắng thể hiện tốt nhất như khi đang chạy trên đường đua”.


Sau thành công ở SEA Games 27, Bình đang trong giai đoạn hồi phục thể lực. Cô gái sinh năm 1989 này đã bị chấn thương căng cơ ngay tại Myanmar, khiến cô phải từ bỏ tham dự nội dung 10.000 m. Mục tiêu trong năm 2014 của Bình là trở lại tốp 3 VĐV xuất sắc nhất ở giải marathon châu Á tổ chức tháng 8/2014 tại Thái Lan. Lần gần nhất Bình đạt HCĐ châu Á là ở giải năm 2011, còn 2 giải mới đây (2012, 2013) cô thi đấu không thành công. Bên cạnh đó, dù thừa nhận để lọt vào tốp đạt huy chương ở Asiad 17 tại Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 9/2014 không hề dễ dàng nhưng Bình vẫn quyết tâm sẽ nỗ lực để vượt ngưỡng bản thân, nhằm đáp lại sự tin yêu, ủng hộ của mọi người cho cô suốt thời gian qua.


Nguyễn Tuấn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN