Tại đây, Việt Nam khẳng định sẽ đóng góp tích cực cho việc tổ chức thành công các Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Đây là nghị quyết được ĐHĐ LHQ xem xét hai năm một lần, nhấn mạnh đóng góp tích cực của thể thao trong thúc đẩy giáo dục, phát triển bền vững, hòa bình và hợp tác. Nghị quyết đề cao đoàn kết, công bằng, hòa nhập xã hội và sức khỏe ở tất cả các cấp địa phương, khu vực và thế giới. Đây cũng là văn kiện cơ sở cho việc tổ chức các kỳ đại hội thể thao Olympic. Nghị quyết năm nay do Trung Quốc chủ trì soạn thảo, chính thức mở đầu cho việc tổ chức Olympic và Paralympic mùa Đông Bắc Kinh vào năm 2022.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán Công sứ, Phó trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao với niềm tin tưởng rằng thể thao có thể tạo ra những thay đổi xã hội tích cực, đóng góp cho hòa bình và phát triển.
Đại diện Việt Nam cũng cho rằng Thế vận hội là sự kiện thể thao toàn cầu quan trọng nhất, thúc đẩy hòa bình và phát triển. Tinh thần Olympic là khát vọng chung của nhân dân thế giới vì tình hữu nghị, hòa bình và giao lưu giữa các quốc gia, cũng như sự hội nhập của các nền văn minh. Thế vận hội đoàn kết nhân dân thế giới, không phân biệt văn hóa, tôn giáo và sắc tộc.
Nhân dịp này, Đại diện Việt Nam cũng thông báo về việc Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games lần thứ 31 trong năm 2022 và bày tỏ tin tưởng rằng SEA Games sẽ thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc ở Đông Nam Á.
Cùng ngày, ĐHĐ LHQ đã đồng thuận thông qua Nghị quyết “Tuyên bố năm 2022 là Năm quốc tế khoa học cơ bản vì phát triển bền vững”. Đây là nghị quyết đầu tiên trong lĩnh vực này, do Honduras chủ trì soạn thảo, lấy năm 2022 là năm vinh danh khoa học cơ bản vì phát triển bền vững.
UNESCO được ĐHĐ LHQ giao là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan của LHQ, các tổ chức khoa học chính phủ và phi chính phủ, các cá nhân và lĩnh vực tư nhân tổ chức các hoạt động nhằm ghi nhận và nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng của khoa học cơ bản vì phát triển bền vững phù hợp với các ưu tiên của các nước.