Trong cuộc gặp mặt báo chí vào sáng 23/5 (ngay trước buổi lễ bế mạc SEA Games 31), ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam chia sẻ: “Trước khi SEA Games diễn ra, chắ cchắn không chỉ tôi mà nhiều người đều cho rằng, đại hội tổ chức sau đại dịch COVID-19, nên sẽ rất khó khăn về mọi mặt.
Có người hỏi tôi, dịch bệnh như thế này, liệu các anh tổ chức SEA Games có thành công không, người dân được đến xem không và xem như thế nào? Thực tế đã trả lời bằng những hình ảnh rất đẹp ở các sân vận động, hay nhà thi đấu. Kể cả những địa điểm mà không có đội Việt Nam thi đấu, khán giả cũng rất đông, thậm chí còn có phần quá tải. Những hình ảnh đó với tôi cực kỳ ấn tượng và bất ngờ.
Ban đầu, chúng tôi lo do dịch bệnh, người dân sẽ ngại đến chỗ đông người. Nhưng không, khán giả nô nức đến xem và cổ vũ rất nhiệt tình. Có gia đình VĐV ở tận Cà Mau xa xôi cũng ra Hà Nội cổ vũ. Thể thao đã đi vào cuộc sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam”.
Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lân thứ 31, mục tiêu của Việt Nam là giành khoảng 140 Huy chương Vàng (HCV) trở lên, nhận định Thái Lan giành 100 - 120 HCV. Khi kết thúc SEA Games, Thái Lan giành 92 HCV còn chúng ta có 205 HCV. Khoảng cách thành tích khá xa.
Trả lời cho câu hỏi về thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cũng cho biết: “Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức SEA Games 31 với 40 môn thể thao, 523 nội dung thi đấu. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ở đầy đủ các nội dung thi đấu này.
Về đánh giá lực lượng, đây là kỳ đại hội cạnh tranh quyết liệt giữa các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Nhưng trong thực tế thi đấu, Việt Nam vượt trội so với Thái Lan. Các quốc gia khác thấp hơn. Trong đó, chúng ta vượt Thái Lan hơn 100 HCV, là điều gây bất ngờ.
Khi bộ phận chuyên môn rà soát lại toàn bộ các nội dung thi đấu, với chủ trương và mục tiêu là phải tổ chức thi đấu sòng phẳng. Trên tinh thần như vậy chúng ta dự kiến đoạt 145 - 185 HCV. Việc đưa ra con số 140 HCV để đảm bảo xác suất an toàn khi dự báo cũng có tính sai số và cũng bởi chúng ta chỉ cần đạt 140 HCV là có thể ở vị trí số 1 hoặc 2 theo mục tiêu vào top dẫn đầu đã đề ra.
Điều bất ngờ ở công tác chuyên môn là nhiều VĐV ở một số nội dung ít được tổ chức thi đấu đã thi đấu rất tốt ví dụ đua thuyền, quyền anh. Với các môn thi Olympic, các VĐV ở các môn Olympic đạt 80% kế hoạch.
Đơn cử, khi rà soát các nội dung thi đấu đặt mục tiêu phấn đấu tốp 1, nhưng khi biết Thái Lan nhập tịch các VĐV điền kinh, chúng ta lo không biết có đạt được 16 HCV điền kinh không. Trong khi trước đó theo kế hoạch dự kiến là giao chỉ tiêu đạt từ 19 - 21 HCV cho điền kinh, ban huấn luyện đánh giá không thể làm được. Nhưng thực tế, các VĐV Việt Nam đã nỗ lực hết mình và giành 22 HCV. Tôi rất ấn tượng với VĐV chạy 1.500 m. Tuy nhiên cũng có môn Olympic, chúng ta không đoạt HCV nào như bắn cung.
Theo tôi, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các đoàn trong khu vực. Đoàn thể thao các nước đã trao đổi và thừa nhận rằng do đại dịch COVID-19 nên VĐV của họ có sự ngắt quãng trong chuẩn bị. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân về chuyên môn. Nhưng đó là ảnh hưởng chung. Chúng ta cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn tập trung đầu tư suốt 2 năm qua và thi đấu tốt. Vì đó, lý do quan trọng nhất, theo chúng tôi đánh giá, chính là tinh thần ý chí VĐV rất tốt.
Tôi cũng rất ấn tượng với thành tích của VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng. Về tương lai, chúng ta phải đầu tư mạnh hơn cho các môn Olympic vì các nước đầu tư kinh khủng cho VĐV. Chúng ta đầu tư để có thể phấn đấu lấy được 10 HCV tại ASIAD, từ đó hướng đến mục tiêu Olympic”.
Một SEA Games diễn ra sòng phẳng
"Chúng tôi đã thống kê chuyên môn các kì Olympic, ASIAD, SEA Games. Năm 2003 chúng ta là chủ nhà SEA Gmes 22, và nhất toàn đoàn. Năm nay chúng ta vượt trội so với quốc gia xếp sau.
Lần này, chúng ta thi đấu sòng phẳng, tất cả nội dung Olympic và ASIAD thi dấu hết mà không hạn chế thế mạnh của mình, thế mạnh của đối thủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về SEA Games 31 đã nhắc chúng tôi không được lấy bất kì kĩ thuật nào về chuyên môn cả, chúng ta không tạo áp lực cho mình, cho VĐV thi đấu sòng phẳng. Thực tế là như thế thật. Lợi thế lớn nhất đó là nguồn động viên từ khán giả nhà, sân nhà, không có lợi thế nào về chuyên môn cả.
Có người hỏi sao lấy nhiều HCV thế, sao không chia bớt cho các nước? Tôi bảo, thành tích là của VĐV. VĐV phải thi đấu hết mình, lấy được huy chương nào là lấy huy chương đấy, không có sự can thiệp. Xứng đáng là HCV nhưng lại bảo chỉ lấy HCB là không được. Tâm mình không cho phép. Hết mình thì mới biết chuyên môn đến đâu. Lợi thế về mặt tinh thần là rất lớn. VĐV tạo tâm lý tốt". - ông Trần Đức Phấn khẳng định.