Đây sẽ là lần đầu tiên lễ khai mạc Paralympic được tổ chức bên ngoài một sân vận động. Các VĐV sẽ diễu hành qua Đại lộ Champs-Elysees đến Quảng trường Concorde. Dự kiến sẽ có khoảng 65.000 khán giả chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này - được coi là thể hiện thông điệp của Paris về tăng cường khả năng tiếp cận và hòa nhập xã hội của người khuyết tật.
Theo Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC), Paralympic Paris 2024 sẽ có số lượng kỷ lục các đoàn thể thao, số VĐV và thành phần nữ giới tham gia. Tuy số lượng chính thức vẫn chưa được xác nhận cụ thể, nhưng dự kiến kỳ đại hội tại Paris năm nay sẽ có khoảng 4.400 VĐV từ 168 đoàn thể thao tới tranh tài, trong số này bao gồm cả đoàn Thể thao Người tị nạn (gồm 8 VĐV). Ngoài ra, còn có 88 VĐV từ Nga và 8 VĐV Belarus tới Paris thi đấu với tư cách VĐV trung lập. Số lượng 168 đoàn thể thao tham gia tại Paralympic Paris 2024 đã vượt qua con số kỷ lục trước đó là 164 đoàn tại Paralympic London 2012 tại Anh và Paralympic Tokyo 2020 (tại Nhật Bản). Kỷ lục về số VĐV tham dự Paralympic trước đó thuộc về Tokyo 2020 với 4.393 VĐV. Tại Paris năm nay, Eritrea, Kiribati và Kosovo là 3 đoàn thể thao lần đầu tiên "chào sân" Paralympic.
Trong số các VĐV Paralympic tới Paris tranh tài ở 549 nội dung của 22 môn thể thao có 1.983 VĐV nữ, tương đương 45% tổng số VĐV. Con số này vượt qua kỷ lục trước đó là 1.846 VĐV nữ (tương đương 42%) được thiết lập tại Paralympic Tokyo 2020 và cao hơn gấp đôi so với 988 VĐV nữ đã tham gia tại Paralympic Sydney 2000 (Australia). Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paris 2024 cũng sẽ có nhiều sự kiện giành huy chương cho nữ hơn bao giờ hết, với 235 sự kiện.
Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế Andrew Parsons cho biết IPC luôn nỗ lực hợp tác với các liên đoàn thành viên để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của phong trào Paralympic. Do đó, việc đạt được cả số lượng kỷ lục về các đoàn thể thao tham gia và sự hiện diện của các VĐV nữ là một kết quả tuyệt vời, phản ánh sự nỗ lực lớn của của các ủy ban Paralympic quốc gia và liên đoàn quốc tế, đặc biệt là 3 ủy ban Paralympic quốc gia lần đầu tiên tham gia Paralympic.
Ông nêu rõ: "Số lượng 168 đoàn tham gia Paralympic Paris 2024 tăng 24% so với con số 135 quốc gia tham gia Paralympic Athens 2004 (Hy Lạp), đồng thời việc gần đạt được cân bằng giới chỉ sau 64 năm kể từ Paralympic đầu tiên là một tiến bộ nhanh chóng. Ấn tượng hơn là số lượng các đoàn tham gia tăng lên, số lượng VĐV nữ và chất lượng thi đấu cũng đã được cải thiện. Tôi tin rằng Paris 2024 sẽ là kỳ Paralympic tuyệt nhất từ trước đến nay về mặt thành tích thể thao và mức độ cạnh tranh trong tất cả 22 môn thể thao. Kể từ năm 2016, IPC đã đầu tư hàng triệu euro mỗi năm cho chương trình phát triển thể thao Paralympic của các tổ chức thành viên, với trọng tâm chính là tăng cường sự tham gia của nữ giới ở mọi cấp độ. Những nỗ lực này kết hợp với công tác xuất sắc của các ủy ban Paralympic quốc gia và liên đoàn quốc tế đang bắt đầu mang lại kết quả kỷ lục”.
Trung Quốc - quốc gia luôn đứng đầu bảng xếp hạng huy chương tại mọi kỳ Paralympic kể từ Athens 2004 - là đoàn thể thao có đông VĐV nhất tại đại hội năm nay, với 282 người (124 nam và 158 nữ). Brazil - nước chủ nhà Paralympic Rio 2016 - là đoàn thể thao đông VĐV thứ hai tại đại hội năm nay với 255 người (138 nam và 117 nữ), tiếp theo là nước chủ nhà Pháp với 237 VĐV (155 nam và 82 nữ). Paralympic 2024 sẽ là kỳ đại hội đầu tiên Pháp tham gia thi đấu tại toàn bộ các môn thể thao.
Đoàn Pháp có 82 VĐV nữ, đông nhất trong các kỳ Paralympic và nhiều hơn gấp đôi so với 37 VĐV nữ tham dự Tokyo 2020. VĐV trẻ nhất của đoàn Pháp là Marie N’Goussou, 15 tuổi (môn Điền kinh).
Mỹ sẽ có 220 VĐV (110 nam và 110 nữ), trong khi Anh có 201 VĐV (109 nam và 92 nữ).
35 ủy ban Paralympic quốc gia có kỷ lục về số lượng VĐV nữ tham dự Paralympic Paris 2024, trong khi 27 ủy ban Paralympic quốc gia có nhiều VĐV nữ hơn VĐV nam. 15 môn thể thao dành cho người khuyết tật - Đua xe đạp, Bắn cung, Điền kinh, Cầu lông, Đua thuyền Canoeing, Cưỡi ngựa, Judo, Cử tạ, Đua thuyền Rowing, Bắn súng, Bơi, Taekwondo, Ba môn phối hợp, Bóng bàn và Bóng bầu dục có nhiều VĐV nữ tham gia thi đấu hơn so với Paralympic Tokyo 2020.
Cưỡi ngựa (17 nam/61 nữ) và Cử tạ (89 nam/90 nữ) có số lượng VĐV nữ nhiều hơn nam, trong khi Cầu lông, Goalball, Đua thuyền và Bóng rổ trên xe lăn đạt được cân bằng giới. Boccia (68 nam/57 nữ), Judo (79 nam/68 nữ), Taekwondo (61 nam/60 nữ), Triathlon Paralympic (66 nam/55 nữ), Bóng chuyền ngồi (96 nam, 91 nữ) và Đấu kiếm xe lăn (49 nam/48 nữ) gần đạt cân bằng giới.
Tại Paralympic 2024, Điền kinh là môn có số lượng VĐV tham gia nhiều nhất, với 1.135 VĐV tranh tài ở 164 nội dung huy chương. Bơi là môn thể thao lớn thứ hai với 608 VĐV thi đấu ở 141 nội dung huy chương. Bóng bàn Paralympic có số lượng VĐV nhiều thứ ba với 281 VĐV thi đấu ở 31 nội dung huy chương.