Olympic 2012: Công nghệ và kỷ lục trong đường đua xanh

Chỉ 5 kỷ lục thế giới được lập trong 5 ngày thi đấu đầu tiên trên đường đua xanh Olympic London (Luân Đôn) 2012 là quá ít ỏi so với "cơn mưa" 25 kỷ lục tại Olympic Bắc Kinh 4 năm trước. Tuy nhiên, các kình ngư cho rằng đây không phải là điều ngạc nhiên, mà nguyên nhân chính là các trang phục thi đấu công nghệ cao bị cấm.

Kình ngư trẻ người Mỹ Missy Franklin nhận xét: "Tôi nghĩ bơi lội là một môn thể thao đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại, nỗ lực vượt qua những ranh giới và nâng cao các giới hạn của bản thân. Thật tốt khi chúng tôi có thể cho thế giới thấy rằng chúng tôi không cần những trang phục đặc biệt đó để chinh phục các kỷ lục".

Sau Olympic Bắc Kinh với trang phục thi đấu LZR của Speedo với một phần là sợi tổng hợp được nhiều kình ngư sử dụng, một thế hệ trang phục thi đấu còn hiện đại hơn với toàn bộ là sợi tổng hợp polyurethane đã góp phần tạo nên cơn địa chấn ở giải vô địch bơi lội thế giới năm 2009 tổ chức tại Italia với 43 kỷ lục thế giới mới.

Vận động viên bơi lội Mỹ Ryan Lochte(ảnh)giành huy chương vàng vòng chung kết cuộc thi Bơi Hỗn hợp cá nhân cự ly 400 mét nam tại Olympic London 2012. Ảnh: THX-TTXVN


Những người bi quan cho rằng các kỷ lục được lập với sự trợ giúp của trang phục thi đấu công nghệ cao đó sẽ tồn tại rất lâu sau lệnh cấm sử dụng các trang phục này trong thi đấu quốc tế. Tuy nhiên, theo trưởng đoàn bơi lội Mỹ Frank Busch, cách nhìn đó không ảnh hưởng đến quyết tâm chinh phục đỉnh cao mới của các vận động viên: "Đừng bao giờ đánh giá thấp các vận động viên khi giới hạn lại được nâng lên tầm cao mới". Thậm chí theo Busch, nhìn theo một khía cạnh khác, sự xuất hiện của trang phục thi đấu công nghệ cao có thể coi là "hữu ích" vì nó giúp phá vỡ các giới hạn trong suy nghĩ của vận động viên.

Kể từ khi trang phục thi đấu bằng sợi dệt được chính thức quy định trong năm 2010 cho tới trước Olympic London, chỉ có hai kỷ lục thế giới mới được lập trong các nội dung đường trường là của Ryan Lochte ở 200 mét hỗn hợp nam và Sun Yang ở 1.500 mét tự do nam. Chính vì vậy, dù 5 kỷ lục thế giới mới vừa qua là ít ỏi so với 25 kỷ lục ở Olympic Bắc Kinh, nhưng đây vẫn là một sự bùng nổ lớn.

Vận động viên Trung Quốc Diệp Thời Văn (Ye Shiwen) ghi dấu ấn ở 400 mét hỗn hợp nữ với thành tích 4 phút 28,43 giây. Dana Vollmer của Mỹ trở thành nữ kình ngư đầu tiên phá được ngưỡng 56 giây khi chinh phục 100 mét bướm với thành tích 55,98 giây.

Gương mặt Nam Phi Cameron van der Burgh giành huy chương vàng 100 mét bơi ếch cùng kỷ lục mới 58,46 giây. Daniel Gyurta của Hungari chinh phục 200 mét bơi ếch nam trong 2 phút 7,28 giây, còn Rebecca Soni lập kỷ lục mới 2 phút 20 giây ở bán kết 200 mét bơi ếch nữ.

Điểm khác biệt là những kỷ lục mới này không quá cách xa với những kỷ lục cũ. Kirsty Coventry, hai lần vô địch Olympic ở nội dung 200 mét bơi ngửa nữ, nhận xét: "Nếu nhìn vào vòng chung kết các nội dung bơi nữ, bạn sẽ thấy tất cả chỉ hơn kém nhau khoảng một giây mà thôi. Nhưng nếu nhìn lại Olympic Athen và Bắc Kinh thì có sự khác biệt rõ ràng, thường lên tới vài giây giữa người về nhất và người về cuối cùng. Điều đó cho thấy trình độ chung đang được nâng lên và cạnh tranh càng hấp dẫn".

Kình ngư Anthony Ervin của Mỹ kết luận: "Cho dù công nghệ có phát triển thế nào, nó cũng không ngăn được các vận động viên tự nỗ lực vượt qua những giới hạn. Đó là một phần của tinh thần nhân loại, luôn cố gắng tiến tới chinh phục những mốc mới".


TTXVN/ Tin Tức


Olympic: Xung quanh 'chuyện không tưởng' của Ye Shiwen
Olympic: Xung quanh 'chuyện không tưởng' của Ye Shiwen

Khi VĐV bơi lội Trung Quốc Ye Shiwen giành được HCV tại Olympic London ở 2 nội dung 400m cá nhân hỗn hợp và 200 m cá nhân hỗn hợp cũng là lúc những ồn ào nổi lên. Đặc biệt nghi vấn được đưa ra khi Ye phá vỡ kỷ lục thế giới cũ với thành tích ít hơn tới 1 giây...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN