Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, sẽ có khoảng 1.600 trường hợp được tiêm vaccine COVID-19 theo diện này, trong đó bao gồm VĐV, huấn luyệnviên và những nhân viên phục vụ có tiếp xúc gần với VĐV tham dự Olympic Tokyo. Để không ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng quy mô lớn đang được tiến hành trên toàn Nhật Bản, việc tiêm chủng cho VĐV và những người liên quan sẽ được tiến hành tại Trung tâm huấn luyện quốc gia Nhật Bản và phụ trách chính là các bác sĩ thuộc các đoàn thể thao quốc tế.
Trước đó Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng thông báo đã ký kết biên bản ghi nhớ với hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức về việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho VĐV các nước tham dự Olympic Tokyo 2020. Mục tiêu của IOC là đảm bảo 80% VĐV và những người liên quan được tiêm vaccine COVID-19 trước khi sự kiện này khai mạc.
Olympic Tokyo dự kiến được tổ chức từ ngày 23/7 đến 8/8, trong khi Paralympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9. Trong cuộc họp 5 bên diễn ra hồi tháng 3, Ban tổ chức, Chính phủ Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo, IOC và IPC đã quyết định không cho phép khán giả từ nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản để theo dõi các trận thi đấu. Thời điểm công bố quy định về việc hạn chế số lượng khán giả nội địa tại các nhà thi đấu cũng bị lùi lại đến tháng 6 so với dự kiến ban đầu là cuối tháng 4.
Tuy nhiên, việc tổ chức sự kiện quan trọng này đang vấp phải nhiều dư luận phản đối trong nước. Mới đây nhất, tờ Asahi Shimbun - một trong số những nhà tài trợ chính thức cho Olympic Tokyo đã kêu gọi Chính phủ Nhật Bản hủy bỏ sự kiện này, đồng thời gọi đây là "một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng".
Trong một bài xã luận ngày 26/5, nhật báo này đã kêu gọi Thủ tướng Suga Yoshihide "tiến hành đánh giá tình hình một cách bình tĩnh, khách quan và đưa ra quyết định hủy tổ chức Olympic trong mùa Hè này”. Bài báo cho rằng "không thể chấp nhận canh bạc" về việc đăng cai sự kiện, ngay cả khi các nhà tổ chức khẳng định rằng Olympic Tokyo sẽ diễn ra một cách an toàn.
Theo dự báo của Viện nghiên cứu Nomura, việc hủy tổ chức Olympic Tokyo sẽ khiến Nhật Bản thiệt hại khoảng 1,8 nghìn tỷ yen (tương đương 16,6 tỷ USD). Mặc dù vậy, viện này cũng cho biết tổn thất về kinh tế có thể còn lớn hơn gấp bội nếu số ca mắc COVID-19 tăng đột biến dẫn đến việc Nhật Bản phải ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp mới.