Như đánh giá của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) trong chuyến thị sát hồi cuối năm 2012, hầu hết các sân bóng ở Việt Nam đều không đạt tiêu chuẩn để tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp. Tuy vậy, thực tế là bóng vẫn không ngừng lăn và tất cả buộc phải học cách sống chung với nguy cơ vỡ sân luôn rình rập.
Trước hết, phải khẳng định rằng việc sân Vinh suýt bị vỡ vào ngày 14/4 vừa qua không phải là chuyện hiếm đối với bóng đá Việt Nam. Năm 2003, sân Chùa Cuối của Nam Định (giờ là sân Thiên Trường) từng chứng kiến cảnh tượng tương tự ở trận đấu chủ nhà gặp Hoàng Anh Gia Lai: Sân này khi đó đang dở dang việc xây dựng để phục vụ SEA Games 22, nên các CĐV đã trèo lên cả dàn giáo để theo dõi trận đấu. Tại sân Thanh Hóa năm 2007, gần 30.000 CĐV tràn vào sân - vốn chỉ có sức chứa hơn 10.000 người. Trên 200 nhân viên an ninh tất nhiên không thể ngăn cản dòng người vượt qua hàng rào chắn tràn xuống, ngồi luôn ở sát mặt sân để xem đội chủ nhà Thanh Hóa đá với Đà Nẵng. Trận đấu đã suýt không thể tổ chức nếu không có sự bảo đảm của lãnh đạo tỉnh. Đến năm 2009, sân Lạch Tray (Hải Phòng) cũng xảy ra cảnh tương tự trong trận ra mắt của ngôi sao Denilson đến từ Braxin…
Giơ cao, đánh khẽ
Sau những vụ việc trên, BTC giải chỉ đưa ra những án phạt thấp nhất. Ví dụ như vụ vỡ sân Thanh Hóa, đội bóng này năm đó chỉ bị xử thua 0-3 (kết quả 1-1 bị hủy bỏ), nộp phạt 10 triệu đồng và không hề bị treo sân, tức là mức án nhẹ nhất trong khung hình phạt của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Tương tự như vậy, sân Vinh mới đây chỉ bị phạt cảnh cáo, trong khi không ít người chờ đợi BTC sân này ít nhất phải bị phạt tiền hoặc Sông Lam Nghệ An phải thi đấu trận kế tiếp trên sân nhà bị đóng cửa.
Sự cuồng nhiệt của các CĐV xứ Nghệ. Ảnh: vnleague.com |
Trưởng BTC V-League 2013 Trần Duy Ly, là người có mặt trên sân Vinh ngày hôm đó, giải thích: “Sân chưa tới mức vỡ như báo chí đã nêu. Chỉ có tình trạng CĐV chạy vào đường piste, nhưng sau đó lực lượng an ninh sân đã kiểm soát được tình hình. BTC sân đã sai, nhưng không quá nghiêm trọng”.
Trưởng BTC V-League 2013 Trần Duy Ly cho biết, với số lượng khán giả khoảng 10.000 người trong một trận đấu, BTC sân cần điều động khoảng 500 nhân viên an ninh. Những vụ việc như ở sân Vinh là do BTC sân không lường trước được số lượng khán giả kéo đến sân đông đến thế, nên không bố trí đủ lực lượng an ninh, bảo vệ. Trong trận Hà Nội T&T - SLNA ở vòng 4 V-League, nhờ dự báo tốt số lượng đông đảo CĐV đội khách tới sân Hàng Đẫy, nên an ninh trận đấu đã được đảm bảo, dù số lượng CĐV đã tăng đột biến (từ 5.000 - 6.000 lên thành 20.000 người). |
Tất nhiên, nếu ở vị trí của BTC giải thì sẽ hiểu cái khó của họ trong việc xử lý những vụ việc như vậy. Với tư cách là những người tổ chức giải, ai cũng mong khán giả đến sân thật đông. Trong bối cảnh các đội bóng gặp khó khăn về tài chính như hiện nay và sân bãi nhiều năm qua bị “bỏ hoang”, khán giả lại càng được nâng niu như… thượng đế. Treo sân thì sẽ mất khán giả, còn ngược lại, mở cửa tự do như sân Vinh thì lại sợ bị “vỡ sân”.
Nâng cao ý thức trách nhiệm
Suy cho cùng, nếu có xử lý nghiêm các sân thì cũng không giải được bài toán then chốt để đảm bảo an ninh cho các trận đấu: Cải thiện tình trạng sân bãi xuống cấp. Tháng 9/2012, BTC các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam đã tiến hành khảo sát tất cả các sân và đánh giá rằng hầu hết các sân đều có thể tổ chức trận đấu mùa giải 2013. Tuy nhiên, mọi đánh giá của BTC giải chủ yếu chỉ tập trung vào chất lượng mặt sân và dàn đèn chiếu sáng (phục vụ cho giai đoạn cuối mùa giải, khi các trận đấu được tiến hành cùng giờ). Những điều kiện khác như hệ thống hàng rào an ninh, hệ thống các phòng chức năng (phòng nghỉ cho từng đội, cho giám sát, trọng tài), đảm bảo vệ sinh… đều được “thông cảm”. Ngay như sân Đồng Nai, dù vẫn chưa kịp lắp đặt dàn đèn sau khi bất ngờ được “đẩy” lên hạng hồi cuối năm 2012, họ vẫn được phép tổ chức thi đấu.
Ở đây, BTC giải cũng không còn giải pháp nào khác ngoài việc phải “thông cảm” cho các đội bóng. Mỗi đội bóng tham dự V-League hiện phải đảm bảo ngân sách hoạt động khoảng 35 - 40 tỷ đồng/mùa giải. Khi mà hầu hết các đội đều sống dựa vào túi tiền của doanh nghiệp, việc họ lo được kinh phí để nuôi đội bóng vào thời điểm này cũng đã là giỏi. Cũng dễ hiểu khi không có đội bóng nào dám đầu tư sửa chữa lớn cho sân bãi, bởi theo ước tính, việc lắp đặt dàn đèn như ở sân Đồng Nai cũng đã tiêu tốn 15 - 20 tỷ đồng. Còn nếu xây mới sân thì chi phí sẽ rất lớn. Không phải tỉnh, thành nào cũng có thể xây dựng một sân đạt tiêu chuẩn như SVĐ quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) - được khánh thành năm 2003 với tổng chi phí gần 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Trần Duy Ly, nếu không muốn để những vụ việc như ở sân Vinh tái lặp, gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng chuyên môn và hình ảnh của giải, không còn cách nào khác ngoài việc mọi đối tượng liên quan đều phải nâng cao ý thức trách nhiệm. Với các BTC sân, cần nhạy cảm trong dự báo, đánh giá về số lượng CĐV trong từng trận đấu, để có thể điều động số lượng nhân viên an ninh phù hợp.
Với lực lượng an ninh, một bài học điển hình dành cho họ tại sân Gò Đậu (Becamex Bình Dương): Nhân viên an ninh tại đây thể hiện tác phong rất chuyên nghiệp, đó là luôn quay mặt về phía khán giả, sẵn sàng hành động khi có tình huống xấu xảy ra - một hình ảnh quen thuộc mà người hâm mộ vẫn thường thấy ở các giải VĐQG châu Âu. Sau cùng, từng đội bóng cũng cần thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của CĐV đội nhà, với một kênh thông tin hiệu quả là các hội CĐV. Với những CĐV Nam Định vắt vẻo trên các dàn giáo, CĐV SLNA bắc thang trèo rào, leo cây xem bóng đá… nên hiểu rằng họ không những làm xấu hình ảnh của đội nhà, mà còn tự “đánh bạc” với tính mạng của chính mình.
Song Long