Một tín hiệu rất vui cho bóng đá Việt Nam kể từ khi V-League 2013 khởi tranh, đó là việc khán giả đang quay trở lại sân. Vào thời điểm các đội bóng đang gặp khó khăn về tài chính và loay hoay tìm mô hình phát triển chuyên nghiệp, đây thực sự là một sự khích lệ lớn về mặt tinh thần, cũng như tạo ra một nguồn thu không nhỏ cho các đội bóng. Tuy nhiên, khi bầu không khí bóng đá đang dần được hâm nóng thì nhiều sân vận động lại phải đối mặt với một vấn đề không mới: Đảm bảo an ninh cho các trận đấu.
Lực lượng an ninh không thể ngăn hàng nghìn CĐV tràn vào sân Vinh ngày 14/4 vừa qua. Ảnh: SLNA-FC.COM
|
Theo thống kê của Ban tổ chức, số lượng khán giả trung bình sau 6 vòng V-League mùa này là 9.000 người/trận. Đây chưa phải là con số cao và những sân thường xuyên đông khán giả chỉ được đếm trên đầu ngón tay, nhưng ít nhất, nó đã giúp khẳng định: Nếu đá hay, sẽ không ngại vắng khán giả. Dù giá vé hiện nay đôi khi chỉ ngang một cốc cà phê, nhưng khán giả cũng sẽ không chấp nhận đánh đổi nếu họ phải xem một trận đấu nhạt nhẽo, giả tạo.
Trong số các sân bóng V-League thì sân Vinh (Sông Lam Nghệ An), Chi Lăng (SHB Đà Nẵng), Thanh Hóa (Thanh Hóa) và Lạch Tray (XM Vicem Hải Phòng) luôn giữ được số lượng khán giả cao kể từ đầu mùa giải. Đây đều là những sân có “truyền thống” về độ máu lửa của người hâm mộ và các đội bóng trên cũng đang tranh chấp các vị trí cao ở mùa giải này. Các sân này luôn thu hút được trên 12.000 khán giả/trận, tạo nên một bầu không khí cuồng nhiệt trong các trận đấu.
Cá biệt, một sân vốn rất “lèo tèo” khán giả kể từ nhiều năm qua như Hàng Đẫy (Hà Nội T&T) cũng đã được nêm chật cứng người trong trận gặp SLNA đầu tháng này. Tuy nhiên, khi khán giả đang dần trở lại sân thì các nhà tổ chức lại phập phồng chuyện an ninh. Bẵng đi 3 - 4 năm, vấn đề này không được đề cập đến, do hầu hết các sân đều vắng khán giả và nó bỗng nhiên trở thành một chủ đề nóng sau sự kiện sân Vinh suýt bị vỡ vào ngày 14/4 vừa qua.
Theo ước tính, khoảng 30.000 khán giả Nghệ An đã vào sân xem đội nhà thi đấu với XM Xuân Thành Sài Gòn, trong khi sức chứa tối đa của sân chỉ là 22.000 người. Sự cố đã xảy ra ở cửa số 6 (khán đài C, D) khi ban tổ chức sân quyết định mở cửa tự do, vì lo ngại số lượng lớn khán giả không có vé có thể phá cửa để vào sân. Không có thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng việc hàng nghìn người chen lấn vào sân, xô đổ và làm biến dạng các hàng rào bảo vệ đã tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn.
Trận đấu sau đó vẫn được tiến hành và không xảy ra bạo lực như lo ngại của ban tổ chức sân, nhưng nói như HLV Trần Tiến Đại của XMXT Sài Gòn thì vụ việc trên đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý thi đấu của các cầu thủ khách. Họ vừa đá, vừa sợ các CĐV quá khích của SLNA. Thậm chí, ngay cả khi phải nhận bàn thua ở gần cuối trận sau một pha “ngã đẹp” của tiền đạo đội chủ nhà (dẫn đến quả penalty thành công của Lê Công Vinh), XMXT Sài Gòn cũng không dám phản ứng nhiều vì lo ngại đến “tính mạng”.
Sự cố tại sân Vinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an ninh không được đảm bảo tại hầu khắp các sân bóng Việt Nam. Chúng ta đang phát triển bóng đá chuyên nghiệp, nhưng lại không đầu tư thích đáng cho cơ sở hạ tầng - điều tối thiểu để tổ chức các trận đấu. Hay nói cách khác là đầu tư thiếu đồng bộ.
Trong chuyến thị sát hồi cuối năm 2012, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng đã đánh giá, chỉ duy nhất sân Gò Đậu của Becamex Bình Dương là đạt tiêu chuẩn. Các sân còn lại của Việt Nam đều đang trong tình trạng xuống cấp, không đảm bảo về an ninh, vệ sinh… Cũng một phần vì lý do này, AFC đã không cho phép các đội bóng Việt Nam tham dự AFC Champions League (Cúp C1 châu Á).
Việt Nam còn có một sân khác đạt tiêu chuẩn, đó là SVĐ quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), nhưng hiện tại, đây lại không phải sân nhà của bất cứ CLB nào. Trước đây, Thể Công từng chọn Mỹ Đình là sân nhà, nhưng do vắng khán giả và chi phí thuê sân bãi cũng khá cao, nên sau đó lại rút về sân Hàng Đẫy. Sân Mỹ Đình giờ chỉ còn tổ chức các trận quốc tế của đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam.
Song Long
Bài cuối: Trách nhiệm không của riêng ai