Xung đột giữa AS Monaco và các cơ quan chức năng của bóng đá Pháp liên quan đến việc đặt trụ sở của đội bóng này đang ngày càng leo thang, sau khi AS Monaco tiết lộ bị ép phải đóng 200 triệu euro, còn Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) lại phủ nhận sự việc và cho rằng chính đội bóng Công quốc mới là phía đề xuất khoản tiền đó.
Tỷ phú Dmitry Rybolovlev, chủ sở hữu của AS Monaco. |
Trên thực tế, thông báo được phát đi bởi AS Monaco ngày 5/5/2013 đã tạo nên một “quả bom” và làm gia tăng sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa họ với các cơ quan chức năng của bóng đá Pháp. Cuối tháng 3 vừa qua, Ban tổ chức giải chuyên nghiệp Pháp (LFP) đã quyết định bắt buộc AS Monaco phải có trụ sở xã hội tại Pháp, chậm nhất là vào tháng 6/2014. Theo LFP, hoạt động của AS Monaco như hiện nay là phá vỡ sự công bằng về chính sách thuế. AS Monaco tất nhiên rất bức xúc về quyết định này và cho rằng, việc phải di dời trụ sở như vậy sẽ đe dọa trực tiếp tới sự phát triển của đội bóng.
Căng thẳng tưởng như đã được giảm bớt vào ngày 18/4, sau thông báo về những cuộc trao đổi giữa FFF và LFP với AS Monaco, nhằm tìm kiếm một tiếng nói chung. Bộ Thể thao Pháp cũng lên tiếng đánh giá cao sự hợp tác giữa các bên. Mặc dù vậy, “lệnh ngừng bắn” chỉ diễn ra ngắn ngủi.
Theo AS Monaco, trong một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch AS Monaco Dmitry Rybolovlev ngày 3/5, Chủ tịch FFF Noel Le Graet đã đòi hỏi số tiền 200 triệu euro để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay, đổi lại AS Monaco sẽ không phải chuyển trụ sở tới Pháp.
AS Monaco cho rằng yêu cầu này là “hoàn toàn không chấp nhận được”, rằng họ bị lợi dụng và không được tôn trọng sau khi đã đầu tư những khoản tiền lớn vào bóng đá Pháp trong rất nhiều năm qua, đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển Pháp và mang lại niềm tự hào cho bóng đá Pháp tại đấu trường châu Âu. AS Monaco còn thông báo ý định đưa vụ việc ra tòa, nhằm yêu cầu LFP rút lại quyết định ngày 21/3.
Đáp lại, FFF giải thích rằng chính AS Monaco, chứ không phải ông Le Graet đã đề nghị về số tiền 200 triệu euro.
Mọi chuyện có lẽ sẽ không ầm ĩ như hiện nay, nếu như không phải AS Monaco đang thuộc sở hữu của tỷ phú người Nga, Dmitry Rybolovlev - người có tài sản xếp thứ 119 thế giới, theo xếp hạng mới nhất của Forbes. Doanh nhân này đã mua lại AS Monaco hồi tháng 12/2011, với tham vọng giúp AS Monaco trở lại với vị thế là một đội bóng từng 7 lần vô địch Ligue 1, cũng như từng lọt vào tới trận chung kết UEFA Champions League 2004. AS Monaco hiện dẫn đầu Ligue 2 và việc họ thăng hạng Ligue 1 sau một mùa giải vắng bóng chỉ còn được tính bằng ngày. Với sự hậu thuẫn của Rybolovlev, AS Monaco dự kiến sẽ thực hiện một kế hoạch chuyển nhượng tham vọng trong hè 2013, sau khi họ từng công khai lôi kéo David Beckham hay HLV Jose Mourinho cách đây vài tháng.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở đây: Sở dĩ AS Monaco đang rất tự tin với kế hoạch biến thành một đội bóng toàn sao là do họ được hưởng một chính sách thuế ưu đãi tại Công quốc Monaco. Đây chính là lý do khiến LFP nói về sự thiếu công bằng giữa AS Monaco so với các đội bóng khác ở Ligue 1 và buộc AS Monaco phải chuyển trụ sở tới Pháp.
Chủ đề về AS Monaco thậm chí đã được đưa lên diễn đàn chính trị, bởi vì Chính phủ Monaco đã bày tỏ sự ủng hộ đối với AS Monaco, dựa trên những hiệp ước tồn tại giữa Nhà nước Pháp và Công quốc Monaco.
Trong lúc chờ đợi một sự đồng thuận, những rắc rối liên quan đến AS Monaco cũng đã phơi bày rạn nứt giữa FFF và LFP. Ngày 18/4, hai tổ chức này đã quyết định cùng nhau tiến hành thương thảo để giải quyết mâu thuẫn với AS Monaco. Tuy nhiên, Chủ tịch FFF lại đơn phương làm việc này mà không thông báo với LFP về cuộc gặp với Rybolovlev. Trước đó, ngày 2/4/2013, về mức áp thuế 75% đối với những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm tại Pháp, Le Graet đã tự chuốc lấy phiền toái khi tuyên bố rằng Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã đảm bảo với ông về việc các CLB chuyên nghiệp được loại trừ. Ngay sau đó, ông này đã phải bào chữa sau phủ nhận của Điện Matignon. LFP đã được một phen… ngã ngửa vì thói “cầm đèn chạy trước ô tô” của Le Graet.
Bảo An