Mặc cả huy chương!!!

Một số tờ báo những ngày gần đây dẫn phát biểu của ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết, tại cuộc họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á diễn ra ngày 4/9 vừa qua, chủ nhà Myanmar đòi được chia 7 huy chương vàng thì mới đồng ý đưa môn võ Vovinam của Việt Nam vào thi đấu SEA Games 27 diễn ra vào cuối năm nay. Phát biểu của ông Hoàng Vĩnh Giang được dư luận đánh giá là thẳng thắn, dũng cảm. Bởi với thể thao Đông Nam Á, chuyện mặc cả huy chương như “chuyện thường ngày ở huyện”. Thế nên, không lạ gì chuyện, hễ nước nào đăng cai là nước đó dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.


Đã thành lệ, cứ sắp diễn ra SEA Games, thì dư luận lại xôn xao chuyện sẽ có những môn thể thao nào được đưa vào, những môn nào bị loại ra khỏi nội dung thi đấu? SEA Games 27 cũng không phải là ngoại lệ. Theo điều lệ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, các quốc gia đăng cai SEA Games chỉ phải bắt buộc đưa vào chương trình thi đấu các môn trong nhóm 1, thuộc hệ thống thi đấu Olympic như bơi lội, điền kinh, bắn súng. Còn các môn thuộc nhóm 2 và những môn mang bản sắc riêng, sẽ do các đoàn tự thỏa thuận với nhau. Với chủ nhà SEA Games 27, không chỉ là môn thể thao Olympic như thể dục dụng cụ, wushu, đấu kiếm, Myanmar còn đề xuất loại cả bóng bàn, cầu lông, cho dù đó là những môn ưu thế của thể thao Đông Nam Á. Các môn khác cũng bị cắt giảm số lượng huy chương đáng kể.


Với nguyên tắc giành quyền quyết định môn thi cho nước chủ nhà, thì việc Myanmar loại môn thể thao kinh điển của Olympic ra khỏi SEA Games 27 cũng chẳng mấy người ngạc nhiên. Luật bất thành văn, cứ quốc gia nào đăng cai, thì quốc gia đó sẽ có nhiều thuận lợi. Bất công về luật chơi của SEA Games, không phải bây giờ mới gặp, mà nó kéo dài từ gần nửa thế kỷ. Chẳng hạn, khi Thái Lan đăng cai, lập tức họ đưa nhiều nội dung của môn Muay vào thi đấu; với Indonesia là pencak silat, Philippines là võ gậy, Malaysia là cầu mây… Còn tại SEA Games 22, Việt Nam đã đưa môn lặn chân vịt và môn đá cầu vào nội dung thi đấu và kết quả là thể thao Việt Nam gần như thâu tóm toàn bộ huy chương ở hai môn thể thao này.


Biết là vô lý, nhưng không thể trách nước chủ nhà bởi luật chơi là vậy. Và đã là luật chơi, thì quốc gia nào chẳng phải tuân thủ! Với điều lệ “đặc trưng” của khu vực, việc các quốc gia thậm chí không tổ chức bóng đá cũng chẳng vi phạm luật.


Đến bao giờ mới chấm dứt được tình trạng này? Câu trả lời chỉ có được khi các nước thành viên trong khu vực ngồi lại với nhau để xây dựng một chuẩn mực rõ ràng, phải xây dựng được một danh sách các môn thi đấu thống nhất trong các kỳ SEA Games. Có nghĩa là phải xóa bỏ ngay lập tức tư duy kiểu “cờ đến tay ai người đó phất”… thì may ra thể thao khu vực mới vươn ra được châu lục và thế giới.


Có lẽ xuất phát từ những bất cập nêu trên mà một số quốc gia trong khu vực giờ không còn quan tâm nhiều đến sân chơi SEA Games nữa. Thái Lan từng có lần tuyên bố sẽ không đặt nặng thành tích tại SEA Games và chỉ cử lực lượng trẻ tham gia. Malaysia coi SEA Games chỉ là sân chơi tập dượt, một cơ hội để họ cọ sát nhằm chuẩn bị cho các cuộc tranh tài của châu Á và thế giới... Còn với Việt Nam, theo ý kiến nhiều chuyên gia, đây là chiến lược mà thể thao Việt Nam cần phải tính đến. Ông Nguyễn Hồng Minh, người từng là trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ SEA Games cho rằng, nên đưa nhiều vận động viên ở một số môn trình độ tiếp cận châu Á và thế giới tham dự như bắn súng, điền kinh, bơi lội… để tạo điều kiện cho họ rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm. Ngay từ bây giờ chúng ta phải tập trung chuẩn bị lực lượng cho ASIAD và như thế, nên nhìn SEA Games như một đợt tổng kiểm tra trước khi đặt mục tiêu cụ thể cho ASIAD.



Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN