'Gió sương' phận cầu thủ nữ

Cho tới thời điểm này, bóng đá nữ Việt Nam đã giành 5 chức vô địch SEA Games, 2 lần vô địch AFF Cup. Giấc mơ đến World Cup 2015 cũng rộng mở với các học trò của HLV Trần Vân Phát. Tuy nhiên, đáp lại những thành tích đó, mức đầu tư và sự đãi ngộ dành cho giới cầu thủ nữ còn thua kém nhiều lần so với đồng nghiệp nam.


 

Dù vất vả, nhưng họ vẫn luôn mỉm cười và giành chiến thắng. Ảnh: Quốc khánh - TTXVN

 

Kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực hồi đầu những năm 1990, đội tuyển nữ Việt Nam đóng góp vượt trội về thành tích so với các nam đồng nghiệp. Ngoại trừ chức vô địch AFF Cup 2008, ĐTQG nam lẫn U23 Việt Nam đều liên tiếp thất bại ở các giải đấu khu vực. Tuy nhiên, mức đầu tư và sự quan tâm dành cho bóng đá nam vẫn rất lớn. Cầu thủ tầm “sao” như Lê Công Vinh lương lên đến 50 triệu đồng/tháng, qua hai lần chuyển nhượng tới Hà Nội T&T và CLB bóng đá Hà Nội cũng kiếm được khoản “lót tay” khoảng 20 tỷ đồng. Các đội tuyển nam khi tham dự giải đấu khu vực cũng luôn được treo thưởng rất cao. Như tại SEA Games 26, thầy trò Falko Goetz được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các nhà tài trợ treo thưởng đến 1 triệu USD.


Còn bóng đá nữ thì sao? Tất cả chỉ là sự quan tâm và đầu tư dè dặt. Nhiều nữ cầu thủ còn phải đi bán bánh mỳ, đi làm thuê... để kiếm sống, vừa để đeo đuổi giấc mơ làm cầu thủ. Ngay như Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2008, Nguyễn Ngọc Châm, cũng thổ lộ chỉ có mức thu nhập 1,2 triệu đồng/tháng lúc ở đỉnh cao sự nghiệp. Hồi lần đầu tiên vô địch SEA Games (năm 2001), cả đội tuyển nữ Việt Nam cũng chỉ nhận được mức thưởng 150 triệu đồng từ VFF. Ở giải vô địch nữ quốc gia năm 2004, Ban tổ chức chạy vạy hết sức cũng chỉ có thể công bố mức thưởng 60 triệu đồng, dù trước đó bóng đá nữ Việt Nam vừa bảo vệ thành công ngôi hậu tại SEA Games 2003.


Khi đội tuyển nữ Việt Nam vô địch AFF Cup 2012, VFF mới nâng mức thưởng lên 500 triệu đồng, còn thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh được thưởng riêng 50 triệu đồng vì chơi ấn tượng ở trận chung kết. Đó là sự thay đổi đáng mừng từ VFF, họ đã có sự động viên kịp thời đối với nỗ lực của các nữ tuyển thủ. Nhưng ở giải VĐQG nữ vừa kết thúc cuối tháng 6/2013, mức thưởng 200 triệu đồng cho đội vô địch là vẫn còn quá thấp. Nhiều đội “kêu ca” là giờ thi đấu bất cập, số lượng nhà tài trợ ít, trong khi khán giả hạn chế đến sân do nắng nóng.


Hiện tại, dù mang mác tuyển thủ, nhưng nhiều người trong số họ vẫn thừa nhận cuộc sống còn khó khăn. Quả bóng vàng Đông Nam Á 2012, thủ môn Kiều Trinh cho biết, mức lương của cô ở đội nữ TP Hồ Chí Minh, cộng thêm tiền chế độ, cũng chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng, trong khi trang trải cuộc sống ở ngay giữa trung tâm thành phố rất đắt đỏ. Ngôi sao sáng nhất làng bóng đá nữ còn nói vậy, thì chế độ dành cho những nữ cầu thủ bình thường chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều. Số tiền như thế trong thời buổi lạm phát, lo ăn còn chưa đủ, nói gì chuyện mua sắm, làm đẹp. Thế nên, chị em đều mơ ước kiếm được bằng 1/2, 1/3 cánh mày râu đi đá bóng là đã mừng.


Khi giành được tấm vé dự VCK Asian Cup 2014 và cánh cửa tới World Cup 2015 đang đến gần, VFF và các nhà tài trợ mới nâng khung thưởng lên con số 1 tỷ đồng cho toàn đội. Khỏi phải nói các nữ tuyển thủ đã vui mừng tới mức nào và họ rủ nhau đi ăn mừng bằng… trà đá, nước mía vỉa hè. Nhìn những người hùng bóng đá Việt Nam trong hình ảnh như thế, càng thấy thương họ - những chị em đã trót theo nghiệp “quần đùi, áo số”.


Thủ môn Kiều Trinh giãi bày: “Cuộc sống của nữ cầu thủ còn khó khăn, chật vật lắm, nhưng không ai bỏ nghề cả. Vẫn cố gắng thi đấu mang về những danh hiệu cao quý nhất cho nước nhà, chứ không dám đòi hỏi gì nhiều. Chúng tôi cắn răng vượt khó và tìm một lối đi sau khi giã từ sân cỏ. Chỉ mong được cấp một ngôi nhà chung cư nhỏ và một vai trò HLV sau khi giải nghệ là mừng rồi. Còn mơ làm giàu, sống thoải mái nhờ bóng đá, với chị em là điều gì đó rất xa vời".


Trao đổi về việc nâng cao chế độ đãi ngộ cho cầu thủ nữ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn cho biết: “Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cũng như Tổng cục TDTT đã xem xét việc nâng cao chế độ lương - thưởng cho các nữ tuyển thủ trong thời gian vừa qua. Rõ ràng, đóng góp của tuyển nữ quốc gia lớn hơn rất nhiều so với bóng đá nam, cho nên, lãnh đạo ngành xem việc phát triển bóng đá nữ là một mục tiêu trọng điểm, nhất là khi cơ hội dự World Cup của bóng đá nữ đang ở rất gần. Chúng tôi sẽ có tính toán cụ thể để cải thiện cuộc sống, giúp các nữ cầu thủ an tâm cống hiến, đồng thời giúp giải VĐQG nữ thu hút nhiều sự quan tâm hơn nữa. Hy vọng thời gian tới, bóng đá nữ sẽ có được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn không chỉ từ Nhà nước mà cả từ xã hội”.


Nếu đời sống nữ cầu thủ được cải thiện thì quả đáng mừng cho thầy trò Trần Vân Phát, họ sẽ có thêm động lực phấn đấu tại VCK Asian Cup 2014. Chỉ e rằng, sự hỗ trợ và nâng mức đãi ngộ như thế là nhỏ giọt, không dài hơi. Mừng đấy, mà lo thì vẫn nhiều hơn!


Nguyễn Tuấn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN