Euro hay Eurozone ở thời điểm là những danh từ chỉ gây cảm giác bi quan, buồn bực, thậm chí nhiều người châu Âu còn chẳng buồn nghe, liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công và các biện pháp khắc khổ đã tràn ra khắp cựu lục địa.
Nhưng còn một Euro khác mà người ta đang hy vọng nó sẽ thắp lên những tia hy vọng cho nhiều nước châu Âu trong thời điểm khốn khó chung của cả khu vực đồng Euro (Eurozone). Chỉ ít giờ nữa, vòng chung kết Euro 2012 - ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu - sẽ khai diễn trên đất Ba Lan và Ucraina trong sự háo hức của hàng triệu tín đồ túc cầu giáo. Nhưng trớ trêu là 4/16 đội bóng dự VCK Euro 2012 này đồng thời là những “con nợ” đầm đìa nhất của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, gồm Bồ Đào Nha, Ailen, Hy Lạp và Tây Ban Nha, những nước phải ngửa tay nhận gói cứu trợ tài chính lớn của châu Âu, hoặc sắp được nhận.
Công chúng vẫn hay “dị ứng” với giới cầu thủ, nhóm người được cho là luôn sống trong các “tháp ngà” bao bọc bởi những khoản lương cao ngất và xa rời với mọi khó khăn “cơm áo gạo tiền”. Nhưng thực tế là cánh cầu thủ không hề “dửng dưng” với những tác động của cuộc khủng hoảng nợ công và các biện pháp tài chính khắc khổ.
Huấn luyện viên đội tuyển Tây Ban Nha, Vicente del Bosque tỏ ra khá trực tính khi được hỏi rằng liệu “La Roja” (biệt danh ĐT Tây Ban Nha) có thể gây hiệu ứng xã hội nào cho đất nước, nếu như các học trò của ông bảo vệ danh hiệu đương kim vô địch giành được tại Áo và Thụy Sĩ cách đây 4 năm. “Giành chức vô địch Euro cũng chẳng giải quyết được các vấn đề của Tây Ban Nha”, HLV có biệt danh “Ngài râu kẽm” trả lòi một cách khá... thẳng sau khi Thủ tướng chính phủ Tây Ban Nha, Mariano Rajoy vừa có chuyến thăm úy lạo cầu thủ đội nhà.
Nhưng tiền vệ nhạc trưởng Xavi Hernandez lại có cách nhìn nhận... tích cực hơn HLV Bosque khi thừa nhận rằng một chiến thắng tại Ba Lan và Ucraina mùa hè này có thể mang lại nhiều lợi ích, chí ít là cho tinh thần dân tộc. “Chúng tôi chìm trong cuộc khủng hoảng ghê gớm, ở khía cạnh nào đó, bóng đá lại là điều tốt đẹp nhất lúc này”, tiền vệ ngôi sao Barcelona tâm sự, “Nếu ĐTQG chơi tốt tại giải này thì điều đó có thể tạo hiệu ứng tốt cho tâm lý người dân. Hãy chờ xem liệu chúng tôi có thể mang lại niềm vui cho người dân hay không”.
Không hẹn mà gặp, TBN rơi vào bảng đấu cùng CH Ailen và một quốc gia đang trong cảnh nợ “đầm đìa” khác là Italia, khiến giới hâm mộ ví von rằng đây là “Bảng con nợ”.
Với HLV ĐT Italia, Cesare Prandelli, tình cảnh kinh tế đang khó khăn tới mức người dân đất nước này chỉ mong sao có một câu thần chú để mau chóng thoát khỏi tình trạng “thắt lưng buộc bụng” hiện nay. “Tôi biết rằng điều đầu tiên mình phải làm là đưa hình ảnh ĐTQG tới gần gũi hơn với dân chúng”, HLV 55 tuổi này tâm sự, “Chúng tôi sẽ rất lấy làm vinh dự nếu được bất cứ người hâm mộ nào đề nghị chụp ảnh cùng”.
Tương tự, dù thừa nhận ông cũng sẽ cảm thấy rất thoải mái nếu như ĐT Italia phải rút khỏi VCK Euro 2012 những thông tin về những vụ bê bối dàn xếp tỷ số trận đấu làm “muối mặt” cả đất nước Italia, HLV Prandelli cũng lạc quan cho rằng một phong độ ấn tượng của đội nhà ở giải đấu này có thể giúp ích nhiều cho đất nước. “Tôi hiểu được bóng đá quan trọng ra sao với người dân Italia, và một kết quả tốt tại VCK Euro lần này có thể tạo tâm lý lạc quan cho dân chúng”.
Tương tự, tiền đạo ĐT Ailen, Shane Long sẽ là người thấu hiểu nhất những tác động tồi tệ của người dân Ailen khi phải trải qua những biện pháp kinh tế khắc khổ. Cắt giảm chi tiêu, thất nghiệp tràn lan khiến tâm lý chán nản nói chung tại quốc gia này là rất phổ biến. “Đất nước (Ailen) đang trải qua thời khắc cực kỳ khó khăn và chúng tôi sẽ đánh giá rất cao nỗ lực của những cổ động viên nào cố gắng tới được Ba Lan để cổ vũ đội nhà. Tôi biết rằng ngay cả ở Tipperary (thị trấn quê nhà của Shane Long), mọi người cũng đang háo hức tìm mua vé qua Facebook. Tất cả đang tìm mọi cách có thể để cổ vũ cho chúng tôi”.
Trong số 4 quốc gia có tên trong “Bảng con nợ” Euro 2012, Hy Lạp đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Tương lai của đất nước này trong khu vực Eurozone đang còn là một dấu hỏi, và chưa thể thấy được điều gì sáng sủa trong bối cảnh Hy Lạp liên tục phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy những trợ giúp của Liên minh châu Âu.
HLV ĐT Hy Lạp kêu gọi tinh thần chiến đấu của các học trò (Ảnh: Internet) |
HLV ĐT Hy Lạp Fernando Santos, người vừa bị cả nước chỉ trích vì mới nhận mức tăng lương 45% từ Liên đoàn bóng đá Hy Lạp khi ký hợp đồng mới trong năm nay, khẳng định ông rất muốn các học trò thể hiện một tinh thần chiến đấu mạnh mẽ ở giải đấu này, như là một liều thuốc kích thích tinh thần cho đất nước Hy Lạp. “Tôi muốn người Hy Lạp hiểu rằng chúng tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả máu, cho thành công của ĐT Hy Lạp. Các CĐV hãy tin tưởng rằng chúng tôi luôn cống hiến 100% tinh thần và sức lực cho thành tích của đội bóng”.
T.L