Bóng đá Việt lên chuyên gắn với chữ Tiền! Hay nói đúng hơn là không có tiền thì đừng có mơ làm bóng đá chuyên nghiệp thành công. Mùa giải chuyên nghiệp thứ 11 sắp hạ màn, cái quy luật ấy vẫn đúng cho dù đằng sau nó là nhiều hệ lụy.
1. Bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam được làm theo kiểu - Cứ đi rồi sẽ thành đường! Vậy nên cho tới tận lúc này, chẳng mấy ai có thể nói chắc được - Chữ chuyên kia tròn, méo thế nào. Sự thay đổi rõ nhất về bản chất là sự sụp đổ hàng loạt của mô hình bao cấp và thay vào đó là các cuộc đầu tư bạc tỷ từ các ông bầu doanh nghiệp làm thay đổi toàn diện đời sống của bóng đá.
Tiếp nhận những đội bóng địa phương, "hà hơi, tiếp sức" bằng nguồn kinh phí khổng lồ để đầu tư từ lực lượng đến chuyên môn, mô hình bóng đá doanh nghiệp nhanh chóng khẳng định ưu thế vượt trội. Từ những HA,GL. ĐT.LA, B. Bình Dương trước kia, đến sau này là SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T, XM. Ninh Bình... là minh chứng. Và khi tưởng rằng, đồng tiền doanh nghiệp đổ vào bóng đá đang có xu hướng giảm, để tập trung hơn vào chuyên môn, thì tại mùa giải 2011, lại thêm sự thắng thế lớn khi Sài Gòn Xuân Thành xác lập những kỷ lục mới ở sân chơi hạng Nhất.
Các cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN. |
Xuất thân từ đội bóng hạng Nhì Hà Tĩnh (tiếp quản năm 2009), lên chơi hạng Nhất 2010 nhờ mua lại suất của Hòa Phát V&V và ngay lập tức giành quyền thăng hạng V-League với chức vô địch sớm tới... 5 vòng qua 21 trận bất bại (thắng 14 hoà 7). Đáng nói là trong bước tiến tới mức "chóng mặt" của đội bóng này, chẳng có thứ gì không liên quan đến... tiền! Tiền mua suất lên hạng, tiền "chuyển khẩu" vào TP.HCM, tiền đầu tư lực lượng với những bản hợp đồng khủng để sở hữu dàn sao cả ngoại lẫn nội... và trong cái sân chơi hạng hai với những đội bóng còn "ăn chưa đủ" dĩ nhiên, bằng sức mạnh vượt trội từ cái túi tiền không đáy của bầu Thụỵ, Sài Gòn Xuân Thành với cái biệt danh "gã nhà giàu" lên hạng sớm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
2. Chuyện của Sài Gòn Xuân Thành thêm lần nữa chứng minh quyền lực đồng tiền trong bóng đá. Nhưng trong một nền bóng đá mà đồng tiền có giá trị tuyệt đối thì những hệ lụy của nó là khó tránh khỏi. Vết ố tại vòng 20 của V-Leguea với trận thua khó hiểu của chủ nhà LS. Thanh Hóa trước SLNA là bằng chứng.
15 trận bất bại, 5 tỷ đồng tiền thưởng và suất trụ hạng chắc chắn, nếu không muốn nói tới thứ hạng cao nếu đội bóng xứ Thanh tiếp tục thể hiện cái phong độ ấn tượng của mình khi được thi đấu trên sân nhà dưới sự dẫn dắt của ông thầy già dơ nhất của làng cầu nội Lê Thụy Hải. Vậy mà chỉ đưa ra sân cái đội hình 2 đầy khó hiểu cùng lối chơi mất lửa trên các tuyến, Thanh Hóa thua thảm tới 0-3 và trên 4 phía khán đài, những tiếng hô "bán độ" vang lên nhắm vào các cầu thủ chủ nhà. Một trận đấu "có mùi" là quá rõ nếu nhìn vào phản ứng của các CĐV và càng rõ hơn khi chỉ sau 48 tiếng, lãnh đạo tỉnh Thanh quyết định "thay tướng" và buộc HLV Lê Thụy Hải người được trả mức lương tới 5.000 USD/tháng phải làm rõ nguyên nhân.
Vấn đề đặt ra lúc này - Đâu là nguyên nhân thực của trận cầu nhuốm màu tiêu cực kia? Có không vụ bắt tay giữa lãnh đạo cấp cao của 2 đội, hay đơn thuần là vụ bán độ, hoặc chỉ là sai lầm chuyên môn của HLV khi bố trí đội hình... thật khó để tìm được câu trả lời, khi mọi sự vẫn án binh, bất động ngay từ phía VFF, BTC giải, những nơi điều hành cao nhất và trên khán đài sân Hàng Đẫy cuối tuần qua, có 1 chiếc băng rôn lại được căng lên - VFF, bóng đá sạch ở đâu? Ở đâu trong một nền bóng đá mà tiền là thước đo cho tất cả?
3. Và khi đoạn kết của mùa giải 2011 lại ngập trong những trận đấu "sặc mùi" tiêu cực khiến người hâm mộ thêm lần nữa thất vọng, thì đội tuyển nam quốc gia đồng thời được tập trung để chuẩn bị cho 2 vòng đấu nữa với thách thức lớn mang tên Qatar trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Á. Trái ngược với quyền lực và những giá trị tuyệt đối của đồng tiền trên sân chơi nội, ở đội tuyển quốc gia dưới thời tân HLV trưởng Franko Goetz, cái được đặt lên hàng đầu lại là - Màu cờ, sắc áo và tinh thần thi đấu. Đó là câu chuyện lạ của bóng đá Việt Nam, danh tiếng được xây dựng trên... đồng tiền!?
Vũ Minh