Cột mốc lịch sử

Tại giải thể dục dụng cụ thế giới tổ chức ở Nhật Bản, Hà Thanh đã hoàn thành xuất sắc bài thi nhảy ngựa, đạt 14.666 điểm, giành tấm HCĐ. Lần đầu tiên trong lịch sử, Thể thao Việt Nam có tấm huy chương Thể dục dụng cụ (TDDC) thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc TDDC đã đủ tiêu chuẩn đoạt vé dự Olympic London 2012.

Tuyệt vời Phan Thị Hà Thanh

Hà Thanh đã hoàn thành xuất sắc bài thi, đạt 14.666 điểm, giành tấm HCĐ. Nhà vô địch toàn năng Mỹ McKayla Maroney đạt 15.300 điểm đoạt HCV, HCB thuộc về VĐV người Đức, Oksana Chusovitina với 14.733 điểm.

Hà Thanh đã giành vé chính thức dự Olympic 2012.

Trước khi giải VĐTG diễn ra, đội tuyển TDDC Việt Nam với 5 VĐV tham dự chỉ với mục đích duy nhất là cọ xát để chuẩn bị cho SEA Games 26. Thậm chí, sau khi lọt vào tốp 8 VĐV mạnh nhất giành quyền ở vòng chung kết, những nhà chuyên môn và cả lãnh đạo bộ môn TDDC Việt Nam đều cho rằng đó cũng là một thành công với VĐV người Hải Phòng.

Thế nhưng, với tâm lý thoải mái cùng bản lĩnh đã được rèn luyện ở nhiều giải đấu quốc tế, Hà Thanh đã xuất sắc giành HCĐ, đồng thời cũng là tấm vé chính thức đầu tiên trong lịch sử tham dự sân chơi Thế vận hội của TDDC. Ông Lâm Quang Thành - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn SEA Games 26 đã phải thốt lên: “Đây là một thành tích quá sức tưởng tượng của TDDC Việt Nam”. Còn ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam thì cho rằng, đây là điều kỳ diệu trong lịch sử TDDC Việt Nam.

Thành tích của Hà Thanh không tự nhiên mà đến. Tập luyện từ năm 6 tuổi, sau khi đoạt HCV Đại hội TDTT toàn quốc khi mới 11 tuổi năm 2002, kỳ SEA Games 23 năm 2005 tại Philíppin, Phan Thị Hà Thanh đã giành tấm HCĐ đầu tiên trong sự nghiệp quốc tế của mình. Cũng chỉ mất 2 năm để Hà Thanh bước lên đỉnh cao của sự nghiệp: SEA Games 24 tại Thái Lan, Hà Thanh đã giành được tấm HCV rất quý giá. Chưa dừng lại ở đó, tại giải vô địch châu Á năm 2009, Hà Thanh giành tấm HCĐ đầu tiên ở đấu trường châu lục cho TDDC Việt Nam. Năm 2010, Phan Thị Hà Thanh xuất sắc đoạt 3 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6, trước khi tạo nên kỳ tích cho TDDC Việt Nam với 2 tấm HCB tại giải World Cup TDDC thế giới tại Bồ Đào Nha, đặc biệt là tấm HCĐ tại giải VĐTG lần này.

Buồn cho TDDC

Là một trong những môn đoạt vé sớm nhất tới Olympic 2012, nhưng ít ai biết TDDC là môn ít được quan tâm thời gian qua. TDDC có lịch sử phát triển khoảng trên 50 năm ở Việt Nam với những cái tên gắn liền với bộ môn này như Kiều Khanh, Thanh Tâm… Khi phong trào TDDC phát triển, đã có rất nhiều địa phương đầu tư cho môn thể thao này. Trong đó, những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… đã có một chiến lược dài hơi khi quyết định đầu tư một cách bài bản cho các VĐV để rồi đạt được những thành công ngoài mong đợi tại đấu trường khu vực trong những năm qua. Thế nhưng, càng ngày số lượng các đơn vị phát triển TDDC cứ “teo” lại. Đỉnh điểm vào năm 2009, do nội dung này không có trong chương trình thi đấu của SEA Games nên TDDC lại càng “hiu hắt” hơn. Giải VĐQG cũng chỉ có 4 đoàn tham dự với vài chục VĐV “nhẵn mặt”. Tuy nhiên, nguyên nhân không có tại SEA Games 25 chỉ là một phần trong rất nhiều nguyên nhân khiến TDDC mất đi “tiếng thơm” như vậy.

Phải nói rằng, ít có môn thể thao nào lại tốn kém cả về thời gian, đào tạo chuyên môn và đầu tư trang thiết bị như TDDC. Một VĐV có được thành tích như Ngân Thương cũng phải mất dưới 10 năm gửi sang Trung Quốc để đào tạo chuyên biệt từ bé. Chi phí để mua các dụng cụ tập luyện, thi đấu cũng rất đắt (hàng tỉ đồng). Hiện nay, trên cả nước chỉ có duy nhất trung tâm Hà Nội là có phòng tập và dụng cụ đạt tiêu chuẩn (để lại từ SEA Games 22) nhưng cũng ở dạng khi nào cần mới mang ra dùng. Thêm vào đó là những năm gần đây, các địa phương thường chạy theo mốt “bệnh thành tích”. Họ đòi hỏi môn thể thao nào cũng phải có huy chương ngay để phục vụ nhiều lợi ích khác nhau. Chính vì thế, TDDC dần dần thu hẹp lại trên phạm vi địa lý và số lượng các VĐV theo đuổi vì đây không phải là môn có thể “ăn xổi” được. Buồn nhất vẫn là những người làm công tác chuyên môn, bao năm qua họ gây dựng, phát triển môn thể thao này để giờ đây chỉ biết ngậm ngùi nhìn “đứa con” của mình đi vào ngõ hẹp mà chưa có lối thoát.

Thành tích của Hà Thanh khiến lãnh đạo bộ môn thể dục và những nhà quản lý thể thao nước nhà hoan hỉ, nhưng ngay sau đó, bài toán đầu tư để tiếp tục có những VĐV xuất sắc như Hà Thanh, lại chưa có lời giải.

ANH CHI

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN