Có lợi ích nhóm ở bộ môn bóng chuyền?

Không có những trận đấu mờ ám, cũng không có những vụ chuyển nhượng ầm ĩ và nhiều nghi án khác khiến dư luận bất bình như ở môn bóng đá, bóng chuyền Việt Nam là môn chơi phổ biến, lâu nay diễn ra khá chỉn chu, nhưng gần đây đã xuất hiện một vài vấn đề cần được chấn chỉnh.


Sự nổi giận của dư luận


Thật bất ngờ là ngay sau khi kết thúc giải bóng chuyền VTV Cup 2013, trên mạng xã hội đã xuất hiện cả một trang web có tên “Hội những người anti HLV Phạm Văn Long”.


Giải bóng chuyền VTV Cup là giải mang tính truyền thống, dù còn có ý kiến phê phán Ban tổ chức khi mời các khách mời không tương xứng, nhưng giải chưa bao giờ bị la ó đến thế. Việc xuất hiện trang web nói trên là đáng suy nghĩ, khi ở đó, bên cạnh nhiều ý kiến cá nhân thiếu văn hóa, nổi bật lên mấy vấn đề rất cần xem xét.


Bóng chuyền Việt Nam cần được chấn chỉnh lại bộ máy lãnh đạo.

Một là, cần thấy rõ đội tuyển quốc gia là gương mặt của cả nước, không phải là chỗ để một ai đó, một CLB nào đó thử nghiệm cầu thủ và xây dựng đội hình. Hơn nữa, với một giải mời, có cần thiết phải thắng trận bằng mọi cách? Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) Việt Nam, Trần Đức Phấn, đã thừa nhận trước báo chí rằng: Tại sân chơi này, HLV Phạm Văn Long sử dụng đến 5 cầu thủ đã có gia đình trong đội hình chính, thậm chí có lúc là 5/6 cầu thủ trên sân là của một CLB! Sự nổi giận của dư luận có cái lý của nó. Ngoài việc bày tỏ bức xúc về hiện tượng trù dập một vài cầu thủ, cần hiểu rõ những giải mời như thế chính là cơ hội bằng vàng để tung các cầu thủ trẻ vào trận, nhằm chuẩn bị cho tương lai. Tuy nhiên, khá nhiều gương mặt trẻ có tài lại bị loại bỏ hoặc cho “ngồi chơi xơi nước” và đó là điều cần làm rõ để chấn chỉnh.


Bản danh sách chưa tâm phục


Đó là ý kiến của dư luận về bản danh sách 2 ĐTQG (nam, nữ) chuẩn bị cho SEA Games 27. Trực tiếp quan sát toàn bộ các trận đấu tại giải bóng chuyền Đạm Phú Mỹ 2013 mới tổ chức tại Đắk Nông, người viết cho rằng những thắc mắc của dư luận về một số vị trí trên tuyển là có cơ sở. Những vấn đề ấy là dễ thấy, nếu ta có cái nhìn chuyên môn và cái tâm trong sáng.


Câu hỏi “Làm sao libero Thanh Tuyền của Dầu khí lại có thể lên tuyển?” là nhức nhối. Quả thực, Thanh Tuyền còn non kém nhiều so với libero Diệu Linh (Thông tin) và Kim Liên (Long An). Nếu Tạ Diệu Linh có vấn đề không triệu tập được, thì sao lại không gọi Kim Liên? Còn nữa, phụ công Lê Thanh Thúy đang chơi rất tốt, song vẫn bị loại và thay vào đó là Trà Giang, hiện chưa có phong độ tốt, nếu không nói là sa sút. Tuy nhiên, cả Thanh Tuyền và Trà Giang lại được ưu ái, vì dư luận cho rằng họ đều là người của CLB Dầu khí, CLB có nhiều “gắn bó” với LĐBC Việt Nam.


Cũng còn đó việc loại một chủ công trẻ triển vọng là Dương Thị Nhàn, để thay vào đó một đồng nghiệp mới 16,5 tuổi. Tìm hiểu vấn đề, chúng tôi được biết, đã từ lâu giới bóng chuyền vẫn râm ran những câu chuyện về “quân anh quân tôi” na ná như bên bóng đá. Chuyện rằng người của một CLB có tiềm lực mạnh thường được lên tuyển và trên tuyển, những HLV ấy luôn chăm sóc kỹ lưỡng “quân” của mình. Trong khi đó, nhiều cầu thủ trẻ được triệu tập lên, song đa số thời gian chỉ là để cho có mặt và rất ít được tập chuyên môn, thường đi nhặt bóng và làm những việc vặt tại nơi tập trung.
Đâu là lợi ích nhóm?


Xin chia sẻ với một đồng nghiệp, khi anh viết rằng bóng chuyền Việt Nam nếu muốn phát triển, nhất thiết nên loại bỏ ngay khỏi bộ máy của mình một số ít “con sâu làm rầu nồi canh”. Theo dõi môn chơi này đã lâu, người viết thừa nhận lời nói đau xót ấy là có cơ sở. Từng có những vụ việc “tày đình”, nhưng chính Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn là ông Nguyễn Bá Nghị (TP Hồ Chí Minh) lại không hề biết và không tán thành. Tại SEA Games 26 năm 2011 tại Indonesia, tôi đã gặp lại ông Nguyễn Bá Nghị khi ông này được phân công phụ trách đội tuyển “Leo tường” - một thực tế không biết nên bình luận thế nào. Cũng tại đó, cả hai đội tuyển bóng chuyền nam và nữ đã thi đấu không thành công với nhiều sai sót về chuyên môn.


Nếu không có những cải tổ và chấn chỉnh lại bộ máy LĐBC ở một số bộ phận, e sẽ không kịp. Phải nói cho công bằng rằng, có nhiều chủ trương và việc làm của LĐBC Việt Nam rất được dư luận ủng hộ, chẳng hạn việc không sử dụng ngoại binh ở giải VĐQG, việc kiên quyết tổ chức giải trẻ toàn quốc và sẽ loại bỏ CLB “lớn” nếu không có đội trẻ… nhưng trong nội bộ LĐBC vẫn còn một số ít cá nhân thực sự không xứng đáng được sử dụng ở cương vị cầm cân nảy mực cho một số hoạt động về chuyên môn. Việc sử dụng một vài cựu cầu thủ là cần thiết, song đâu phải cứ một người từng đánh bóng giỏi là có đầu óc điều hành? Chính điều này đã tạo ra những nhóm lợi ích, lâu nay vẫn gặm nhấm và làm hao mòn sức sống của một tổ chức xã hội rất đáng được trân trọng là LĐBC Việt Nam.


Những cuộc chơi mới của bóng chuyền Việt Nam đang chờ đón sự vào cuộc sáng suốt của những nhà quản lý. Rất mong rồi sẽ không ai đứng trên dư luận để chèo lái con thuyền thể thao và bóng chuyền nói riêng.



Bài và ảnh: Nguyễn Lưu

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN