Theo thông tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách dành cho ngành Thể dục Thể thao cũng bị cắt giảm, nhưng tiền thưởng dành cho các huy chương vàng, bạc, đồng ở SEA Games 27 vẫn được áp dụng theo Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, huy chương vàng, bạc, đồng ở SEA Games lần lượt nhận 45 triệu, 25 triệu và 20 triệu đồng.
Tiền thưởng có tác dụng động viên tinh thần thi đấu nhưng cũng có mặt trái. |
Tuy nhiên, nếu như ở các kỳ SEA Games trước, vận động viên có thể nhận đến 60 triệu đồng, thậm chí 70 triệu đồng tiền thưởng gồm cả khoản thưởng nóng của đoàn Việt Nam và tiền treo thưởng của các nhà tài trợ thì lần này, những khoản “mềm” như vậy đã bị giảm đáng kể. Khoản thưởng nóng cho HCV giảm từ 9 triệu còn 6 triệu đồng. Ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết, ở những môn tập thể như bóng chuyền, bóng đá, futsal, tiền thưởng dành cho thành tích HCV, HCB, HCĐ sẽ áp dụng mức thưởng cho thành tích tập thể. Nếu áp dụng mức thưởng như thành tích cá nhân, đoàn Việt Nam có nguy cơ vỡ quỹ thưởng nên các môn này chỉ được thưởng khoảng 60-80 triệu đồng nếu giành HCV.
Còn nhớ, ở SEA Games 26 (năm 2011) tại Indonesia, với tổng số huy chương là 288, trong đó có 96 HCV, tổng tiền thưởng từ nguồn ngân sách cho đoàn Việt Nam lên đến 22 tỉ đồng. Nếu so với quỹ thưởng từ ngân sách 2 năm trước thì lần này đoàn bị cắt giảm một con số lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, theo ông Lâm Quang Thành, đoàn đã nỗ lực để tăng tiền chế độ ăn uống, thuốc bổ và sinh hoạt phí trong những ngày tranh tài ở SEA Games cho các VĐV. Theo đó, từ tháng 9 đến nay, tiền ăn mỗi ngày của vận động viên được nâng từ 200.000 đồng/ngày lên 300.000 đồng/ngày.
Câu chuyện tiền thưởng vốn rất nhạy cảm trong thể thao. Cái khó là tạo sự hài hòa trong tiền thưởng giữa các môn tham gia SEA Games. Vẫn biết, ở bất kỳ môn thể thao nào, những tấm huy chương là sự đánh giá cho sự nỗ lực tập luyện, thi đấu của vận động viên. Tuy nhiên, nỗ lực của vận động viên thôi chưa đủ, đôi lúc thành tích còn phụ thuộc vào sự may mắn, phụ thuộc vào điều kiện khách quan. Thực tế, ở rất nhiều giải đấu quốc tế, do các đối thủ nghiên cứu quá kỹ phong độ, lối đánh của các vận động viên Việt Nam, nên rất nhiều môn thể thao thế mạnh cũng như các “ngôi sao” của Việt Nam đã trượt ngã trên sân đấu. Có những thất bại chấp nhận được, kiểu như bóng chuyền nam hay cầu lông (vì các đối thủ của chúng ta rất mạnh). Nhưng cũng có những thất bại khó có thể nuốt trôi, kiểu như “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, hoặc “kình ngư” Nguyễn Hữu Việt ở SEA Games 26.
Nhưng điều đáng lo hơn cả là khoản tiền thưởng dành cho bóng đá. Tại SEA Games 27 cũng vậy. Vẫn biết tinh thần quyết tâm của các cầu thủ là rất cao, nhưng cũng không thể lường trước, là có những tuyển thủ nhìn tiền thưởng để đá. Đã có nhiều bài học quý giá xung quanh vấn đề tiền thưởng cho bóng đá nam tại một số kỳ SEA Games. Xét trong khu vực Đông Nam Á, trước mỗi kỳ SEA Games, chỉ có bóng đá Việt Nam là ồn ào chuyện thưởng nhất. Còn nhớ, tại SEA Games 23 ngôi vô địch được treo trước là 6 tỷ đồng. Hay tại SEA Games 25 tại Lào, chưa thi đấu phút nào, nhưng thầy trò HLV Calisto đã được nhà tài trợ trao tặng một tỷ đồng và hứa sẽ thưởng tiếp 200.000 USD nếu như đoạt chức vô địch. Rồi nữa, cũng tại SEA Games 25, một tuyển thủ gác chân lên ghế, hống hách đòi tiền thưởng từ lãnh đạo VFF.
Cầu thủ bây giờ khi đã khoác áo đội tuyển thì không phải ai cũng đủ sức miễn dịch với các thói hư, tật xấu, nguy hiểm là làm tay trong cho các đường dây cá độ. Do vậy, con số 6 tỷ đồng treo thưởng kỷ lục trong quá khứ vẫn chưa phải là lớn nếu các tuyển thủ muốn kiếm lợi bất chính từ đội tuyển quốc gia.