Bụt chùa nhà mất thiêng?

Không đầy một tháng nữa, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu trận cuối cùng tại vòng loại Asian Cup 2015. Do trận đấu thủ tục với Hong Kong - Trung Quốc tại sân Mỹ Đình (Hà Nội) ngày 5/3 cũng có thể sẽ khép lại giai đoạn dẫn dắt của HLV Hoàng Văn Phúc, nên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không thể không chuẩn bị phương án thay thế.


Dự cảm về cuộc chia tay


Khi đặt bút ký hợp đồng với VFF hồi đầu năm 2013, HLV Hoàng Văn Phúc được chờ đợi sẽ đồng hành với đội tuyển Việt Nam ít nhất cho tới sau AFF Suzuki Cup 2014. Nhưng rốt cuộc, ông Phúc cũng đang đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng - HLV đã phải rời ghế nóng sau thành tích đáng thất vọng của đội tuyển tại AFF Suzuki Cup 2012.

 

HLV Hoàng Văn Phúc đã đệ đơn từ chức, nhưng chưa được VFF chấp thuận. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Trong năm 2013, ông Phúc được giao kiêm nhiệm cả đội tuyển Việt Nam lẫn U23 Việt Nam. Và cho dù đã được HLV Nguyễn Văn Sỹ (XM The Vissai Ninh Bình) “chia lửa” trong giai đoạn cuối năm, khi mà quá trình chuẩn bị cho SEA Games 27 và vòng loại Asian Cup 2015 diễn ra song song, ông Phúc vẫn là người chịu trách nhiệm chính về chuyên môn của hai đội tuyển. Bây giờ, khi cả hai mục tiêu quan trọng trong năm 2013 đã thất bại - U23 Việt Nam dừng bước tại vòng bảng SEA Games 27 và ĐTQG thua cả 5 trận đã đấu tại vòng loại Asian Cup 2015 - chỉ số niềm tin vào “Tướng” Phúc có thể nói đã chạm đáy.


Sau khi trở về từ Myanmar, chính HLV Hoàng Văn Phúc đã chủ động đệ đơn từ chức. Tuy nhiên, VFF đã quyết định tạm thời giữ ông Phúc cho tới hết vòng loại Asian Cup 2015, với giải thích “không muốn tạo tiền lệ xấu” là cứ sa thải HLV sau mỗi thất bại ở các giải đấu lớn. Mặc dù vậy, cũng chính VFF khi mổ xẻ thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 27 đã chỉ ra một “gót chân Asin” là năng lực kém của Ban huấn luyện, với người đứng đầu không ai khác là ông Phúc.

Việc VFF chấp nhận ký hợp đồng với HLV Hoàng Văn Phúc đầu năm 2013, vào thời điểm ông Phúc chỉ dẫn dắt CLB bóng đá Hà Nội (hạng Nhất), đã cho thấy hết những khó khăn của VFF trong mục tiêu thuyết phục các HLV giỏi người Việt Nam ngồi vào ghế nóng.


Những động thái đó từ hai phía cho thấy, khả năng HLV Hoàng Văn Phúc tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam sau trận gặp Hong Kong là vô cùng nhỏ, nếu như không muốn nói ông Phúc chấp nhận ngồi lại đến giờ phút này là vì muốn làm tròn trách nhiệm. Còn nhớ, ngay trước thềm SEA Games 27, ông Phúc đã phải nhận một cú sốc lớn: Bị VFF tạm đình chỉ công việc do một trận đấu “tiêu cực” của U23 Việt Nam tại giải giao hữu quốc tế BTV Cup 2013. Mối quan hệ giữa ông Phúc với VFF hiện là “bằng mặt, mà không bằng lòng”?


Nghiêng về HLV ngoại?


Dù sao, VFF cũng đã có phương án chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là HLV Hoàng Văn Phúc không tiếp tục công việc vào đầu tháng 3 tới. Theo quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, VFF sẽ tiếp tục ưu tiên sử dụng HLV nội, nếu không tìm được HLV nội phù hợp thì mới quay sang phương án “ngoại binh”. Tuy vậy, khả năng bổ nhiệm một HLV nội đang ngày một trở nên khó khăn với VFF.


Trong 2 năm qua, có 4 HLV nội đã cộng tác hoặc “suýt” cộng tác với VFF: HLV Phan Thanh Hùng đã nói lời chia tay sau AFF Suzuki Cup 2012, rồi HLV Hoàng Anh Tuấn từ chối kế nhiệm ông Hùng vào phút chót, trong khi HLV Nguyễn Văn Sỹ “né” SEA Games 27 (vai trò trợ lý HLV) sau thời gian tạm quyền thất bại ở vòng loại Asian Cup 2015, còn chỗ đứng của HLV Hoàng Văn Phúc thì đang bấp bênh hơn bao giờ hết. Đây không phải là những HLV nội được đánh giá cao nhất về năng lực, nhưng VFF cũng không còn sự lựa chọn nào khác, sau khi các đối tượng mà họ đưa vào tầm ngắm, như Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng), Nguyễn Hữu Thắng (Sông Lam Nghệ An)… lại không mặn mà với công việc tại đội tuyển.


Trên thực tế, công việc tại đội tuyển không vất vả như tại câu lạc bộ, nhưng áp lực lại lớn gấp bội. Mỗi bước đi của đội tuyển đều được giới truyền thông “săm soi” kỹ lưỡng. Chiến thắng thì không sao, nhưng thất bại thì HLV phải chịu sự chỉ trích nặng nề từ dư luận, thậm chí bị lăng mạ, gây ảnh hưởng tới cả gia đình. Vậy nên, hầu hết các HLV giỏi tại Việt Nam đều muốn tránh công việc đầy rủi ro và áp lực tại ĐTQG. Nhiều người cũng đang có vị trí ổn định tại CLB, nên cũng “chẳng dại” đánh đổi.


Như vậy, khả năng đội tuyển Việt Nam sắp tới sẽ quay trở lại với thời kỳ liên tục sử dụng HLV ngoại như trước đây là rất dễ xảy ra. Sau SEA Games, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng đã “bật đèn xanh” cho phương án này. Trong khi đó, ông Lê Hùng Dũng cũng đã tiết lộ việc một số đối tác sẵn sàng hỗ trợ VFF trả lương cho HLV ngoại dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, miễn là HLV đó có khả năng cải thiện chất lượng của đội tuyển.


Sau khi từng nếm trải đủ “hỷ, nộ, ái, ố” với các HLV Nam Mỹ (Edson Tavares, Edson Silva Dido) và châu Âu (Alfred Riedl, Henrique Calisto, Falko Goetz)… biết đâu VFF sẽ tìm được một HLV châu Á thích hợp, sau khi V-League 2014 đã mở đường với việc bổ nhiệm một trưởng giải người Nhật Bản?


Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN