Bước qua mùa giải chuyên nghiệp thứ 13, sự bất bình đẳng giữa các đội bóng tại Việt Nam ngày càng lớn. Các khoản thu từ kinh doanh bóng đá không đáng kể, nhưng nhờ “bầu sữa” doanh nghiệp, một số đội bóng đã trở thành “đại gia” thực sự ở sân chơi V-League.
Chữ “chuyên” được mua bằng tiền
Ngay từ lúc ra đời, bóng đá chuyên nghiệp đã gắn liền với những ông bầu chịu chơi, sẵn sàng bỏ “tiền tấn” để mua ngôi sao. Hai đội bóng đi đầu trong công thức dùng tiền mua cầu thủ và danh hiệu là Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An. Cuộc chiến nảy lửa giữa bầu Đức và bầu Thắng giống như cuộc chiến ngầm khẳng định thương hiệu. Những thành công của “Gỗ” (HAGL) và “Gạch” (ĐTLA) đã đưa tên tuổi của bầu Đức, bầu Thắng lên vùn vụt.
Hà Nội T&T của bầu Hiển đã 2 lần vô địch V-League trong 4 mùa giải gần đây. |
Cú huých từ thành công của hai ông bầu kể trên đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều ông bầu máu mặt khác. Đó là bầu Kiên ở Hà Nội ACB, bầu Tuấn - bầu Long tại Hòa Phát Hà Nội, bầu Tiến Anh ở Khatoco Khánh Hòa... Sau này còn có thêm bầu Hiển tại SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, bầu Trường ở XM The Vissai Ninh Bình, bầu Thọ của Navibank Sài Gòn, bầu Thụy của XMXT Sài Gòn, hay đế chế Becamex tại Bình Dương.
Nhờ công thức “bơm tiền mãnh liệt = sở hữu ngôi sao”, cộng với những khoản tiền thưởng kỷ lục được các ông chủ hào phóng tung ra, V-League đã trở thành một trong những giải đấu đắt giá nhất khu vực Đông Nam Á. Một trong những lá cờ đầu của chiến dịch này là Becamex Bình Dương, họ rải tiền mua “sao” về sân Gò Đậu để vô địch 2 lần V-League (2007, 2008). Trong khi đó, 5 năm trở lại đây (2009 - 2013), bầu Hiển lại là nhà vô địch về tiền thưởng, dù nuôi một lúc hai đội bóng 4 lần đăng quang ở V-League. Thậm chí, trong mùa giải 2010, bầu Hiển tốn đến hơn 50 tỷ tiền thưởng khi Hà Nội T&T đăng quang ở V-League, còn SHB Đà Nẵng vào tứ kết Cúp quốc gia.
Những khoản tiền khổng lồ được ném vào sàn chuyển nhượng đã đẩy giá cầu thủ lên cao chóng mặt. Cho đến lúc này, số tiền 13 tỷ đồng mà bầu Kiên chi ra để có sự phục vụ của Lê Công Vinh trong 3 năm tại CLB bóng đá Hà Nội ở mùa 2012, vẫn được xem cột mốc cao nhất.
Nghèo lại gặp… eo
Nhưng không phải lúc nào cứ dùng tiền cũng mua được thành công. Đó là trường hợp XM The Vissai Ninh Bình và XMXT Sài Gòn, họ liên tục dùng tiền để mua sắm cầu thủ giỏi trong 3 năm qua, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế. Cuối mùa giải vừa qua, anh em nhà bầu Thụy đã gây một cú sốc lớn khi quyết định để XMXT Sài Gòn bỏ ngang giải V-League. Phản ứng của XMXT Sài Gòn về cách điều hành của Ban tổ chức giải và về án kỷ luật sau những nghi vấn tiêu cực, được đánh giá chỉ là cái cớ để họ rút lui khỏi bóng đá chuyên nghiệp. Lý do chính được cho là doanh nghiệp tài trợ cho đội bóng không còn có thể tiếp tục “ném đi” hàng chục tỷ đồng mỗi năm như vậy được nữa.
Về phần mình, Navibank cũng đã chi 15 tỷ đồng để mua toàn bộ đội bóng Quân khu 4 ở mùa giải 2010, nhưng sau 3 năm chi tiền quá sức, họ gặp phải khó khăn kinh tế, dẫn tới việc bầu Thọ rút tên khỏi bóng đá, khiến TP Hồ Chí Minh giờ đây trở thành vùng trắng ở sân chơi chuyên nghiệp.
Ngay cả hai tượng đài một thời là HAGL và ĐTLA hiện cũng không thể đi theo con đường cũ. Bầu Đức chuyển sang đầu tư cho bóng đá trẻ (mở Học viện HAGL Arsenal JMG) và thậm chí đầu tư cả vào Lao-League (giải vô địch Lào). ĐTLA còn tệ hơn, khi họ sa sút rồi rơi cảnh xuống hạng cách đây 2 mùa giải. Đó là kết cục tất yếu, do bầu Thắng giờ không còn đầu tư mạnh tay như trước nữa.
Làm bóng đá chuyên nghiệp chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Chỉ cần có tiền là xong! Thậm chí, suất tham dự V-League cũng được bán như… ở ngoài chợ, như trường hợp của Thể Công (được bán cho Thanh Hóa), hay sau này là của Khatoco Khánh Hòa (được Hải Phòng mua lại). |
Mặt trái thứ bóng đá “phù phiếm”, dùng tiền đấu tiền ấy, là V-League phát triển nóng, nhưng thiếu tính bền vững. Khi giá cầu thủ, tiền thưởng bị đẩy quá cao, các đội bóng đuối về mặt tài chính dần không theo kịp tốc độ đòi hỏi chung của sân chơi, dẫn tới việc bị lâm vào bờ vực phá sản. Ngoài ra, tính cạnh tranh giữa các đội bóng ngày càng mất cân bằng.
Vào thời điểm này, Kienlongbank Kiên Giang vẫn đang nợ lương, nợ tiền lót tay cầu thủ ở mùa giải 2013. Một đội bóng hiện không thể kiếm đâu được khoảng 7 tỷ đồng để trang trải nợ nần, liệu có thể tiếp tục tồn tại ở mùa giải 2014? Giàu truyền thống như Sông Lam Nghệ An, đội bóng được đánh giá là có khả năng phá thế độc tôn của nhà bầu Hiển trong 5 năm trở lại đây, hiện cũng rơi cảnh phải “bán máu” liên tục để duy trì sự tồn tại.
Đã hơn 10 tuổi, nhưng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đang thiếu những nền tảng để phát triển bền vững, vẫn chủ yếu phải sống dựa vào doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp mạnh thì đội bóng tồn tại và có cơ hội thâu tóm những danh hiệu. Và ngược lại. Chính thứ bóng đá “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” ấy càng khiến cho con đường chuyên nghiệp hóa một cách thực sự của bóng đá Việt Nam trở nên gian nan hơn bao giờ hết.
Nguyễn Tuấn