Nhờ một nguồn động lực đặc biệt, Vũ Thị Hương đã trở lại thật ấn tượng tại SEA Games 27 và đang mơ một lần nữa đứng trên bục vinh quang tại Asiad 17.
Hữu xạ tự nhiên hương
Trước khi sang Myanmar cuối năm vừa qua, Vũ Thị Hương từng 4 lần tham dự SEA Games và đã trở thành một biểu tượng ở đường chạy cự ly ngắn Đông Nam Á. Với hai cú đúp vô địch cự ly 100m và 200m tại Thái Lan 2007 và Lào 2009, Hương đã được người hâm mộ tặng cho biệt danh “Nữ hoàng tốc độ”. Tuy vậy, SEA Games 27 vẫn giống như lần đầu đối với Hương, bởi những thách thức mới mà cô phải đối mặt.
Vũ Thị Hương đã thi đấu xuất sắc tại SEA Games 27.Quang Nhựt - TTXVN |
Trên thực tế, điền kinh Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ kể từ sau SEA Games 26. Trong 2 năm qua, rất nhiều gương mặt trẻ đã nổi lên và được đầu tư mạnh, nhằm hướng đến những mục tiêu lớn trong thập niên này, điển hình là Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh. Trong khi đó, thất bại của Vũ Thị Hương ở cả hai cự ly 100m, 200m trên đất Indonesia và tình trạng chấn thương dai dẳng của cô đã làm dấy lên những nghi ngờ về giai đoạn thoái trào của “đế chế” mà cô đã gây dựng nên. Sự vắng mặt của một tượng đài khác là Trương Thanh Hằng, vì chưa hồi phục hoàn toàn phong độ sau tai nạn, càng khiến cho không nhiều người đặt niềm tin trọn vẹn vào lớp cựu binh của điền kinh Việt Nam trong cuộc tranh tài ở SEA Games 27.
Trước giải, Hương đã được xem là một “ẩn số” của SEA Games 27. Người ta chờ đợi xem cô sẽ thể hiện ra sao, sau quãng thời gian 2 năm vật lộn với chấn thương. Lần duy nhất cô xuất hiện ở một giải đấu chính thức là tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2013 và cũng không tham dự các cự ly sở trường. Thi đấu nội dung 4 x 200m, Hương và các đồng đội đã giành HCV cho An Giang (đơn vị chủ quản hiện nay của Hương), nhưng không được chú ý lắm. “Ẩn số” ư? Hương đáp lại bằng sự im lặng.
Nụ cười hạnh phúc của Vũ Thị Hương tại Nay Pyi Taw, Myanmar. Quang Nhựt - TTXVN |
Sự hồi hộp càng tăng thêm, khi điền kinh Việt Nam khởi đầu chậm chạp tại SEA Games 27. Bên ngoài đường chạy của sân Wunna Theikdi (Nay Pyi Taw), lãnh đạo bộ môn cũng như lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam khá căng thẳng, vì điền kinh không giành được HCV nào trong ngày thi đấu đầu tiên. Sang ngày thứ hai, người “giải hạn” cho điền kinh lại là một cái tên bất ngờ: Phạm Thị Bình (marathon nữ). Những gương mặt được kỳ vọng là Lan, Oanh (400 m nữ); Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20 km nữ) cũng không vượt qua được sức ép tâm lý và đặc biệt là những “chiêu trò” của các đối thủ chủ nhà Myanmar.
Mọi sự chú ý vì thế đã đổ dồn vào Hương trên đường chạy 100m. Và như thể muốn thử thách thần kinh của VĐV cũng như của người hâm mộ, hiệu lệnh xuất phát bị lỗi hai lần liên tiếp. Đó là thời điểm rất cần một bản lĩnh thi đấu vững vàng. Như thường lệ, Hương vẫn xuất phát chậm hơn một chút so với các đối thủ, nhưng cô đã bùng nổ tuyệt vời ở khoảng 50m cuối và cán đích đầu tiên với thành tích 11 giây 59.
Một ngày sau đó, kịch bản tương tự cũng diễn ra ở đường chạy 200m: Với những sải chân nước rút giống như của một con báo gấm, Hương lao về đích như một mũi tên, trong sự hân hoan của giới mộ điệu Việt Nam. Thành tích của cô ở nội dung này là 23 giây 55.
“Bây giờ thì ẩn số đã hiện ra rồi nhé!”, Hương tự hào trả lời giới truyền thông, khi cô khoác trên mình lá quốc kỳ mừng chiến thắng.
Động lực mới
Mừng cho Hương khi cô đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp để trở lại thống trị đường chạy ngắn SEA Games, sau khi chỉ giành 2 HCĐ tại Indonesia 2011. Hương cũng đã làm được một điều hiếm thấy trong lịch sử SEA Games: Lần thứ ba giành cú đúp vô địch ở các nội dung mà mình tham dự.
Cũng mừng cho điền kinh Việt Nam, bởi nhờ nguồn cảm hứng từ Hương và những cái tên như Phạm Thị Bình hay Nguyễn Văn Lai, các VĐV đã thi đấu đầy nỗ lực ở những ngày sau đó, giúp bộ môn hoàn tất chỉ tiêu mang 10 HCV về từ xứ Chùa Vàng.
Là một VĐV có “thần kinh thép”, có cá tính mạnh mẽ và thường rất kín tiếng về đời tư, nhưng khoảnh khắc đăng quang xúc động tại Nay Pyi Taw đã khiến Hương không thể che giấu được tình cảm của mình. Cô lần đầu tiên nhắc đến người đàn ông bí ẩn đứng phía sau sự trở lại của mình.
“Ngoài gia đình, các thầy, tôi còn muốn dành tặng chiếc HCV hôm nay cho bạn trai của tôi. Tạm thời, tôi chưa muốn tiết lộ danh tính người đó. Nhưng anh ấy là người đã ở bên tôi trong giai đoạn khó khăn nhất sự nghiệp, khi tôi phải vật lộn điều trị chấn thương. Tình cảm, sự an ủi, động viên to lớn của anh ấy là một yếu tố quan trọng giúp tôi trở lại đỉnh cao như hôm nay”, Hương chia sẻ.
“Ẩn số” thứ hai về Hương tại kỳ SEA Games này sau đó cũng đã được giải đáp. Người đàn ông bí ẩn đó là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á, chủ nhân của nhiều bộ ảnh nổi tiếng, gây tiếng vang cả trong và ngoài nước. Đây có lẽ mới là điều ngạc nhiên nhất về Hương: Hai nghề nghiệp với tính chất hoàn toàn trái ngược và hai con người luôn rong ruổi trên đường để đuổi bắt những khoảnh khắc đẹp nhất trong sự nghiệp, vậy mà họ lại gặp được nhau, đồng cảm và cùng chia sẻ những hạnh phúc, khó khăn.
Nguyễn Á là một trong những động lực giúp Hương từ bỏ ý định manh nha, đó là giã từ đường chạy trong giai đoạn khó khăn sau SEA Games 26. Cũng chính anh là người đã gần gũi, chăm sóc và động viên Hương khi cô phải lên bàn phẫu thuật u nang buồng trứng, chỉ 3 tháng trước SEA Games 27. Đó chính là quãng thời gian giúp Hương nhận ra người đàn ông của cuộc đời mình.
Sau ca phẫu thuật, Hương được các bác sỹ khuyến cáo chỉ sau 3 tháng mới được vận động mạnh và sau 6 tháng mới được tập nhẹ trở lại. Nhưng nhờ sức khỏe trời phú, sự ủng hộ của bạn trai, sự giúp đỡ của HLV Nguyễn Đình Minh và đặc biệt là sự “liều mạng” vốn có của một cô gái cá tính, Hương đã ra sân tập sau đó chỉ 1 tháng. Và điều thần kỳ đã xảy ra, khi Hương giành chiến thắng thuyết phục trên các đường chạy sở trường, kết thúc một năm đầy khó khăn nhưng cũng rất ngọt ngào trong cuộc đời cô.
Cái đích tiếp theo mà Hương đang hướng tới là Asiad 17, tại Inchoen (Hàn Quốc) năm 2014. Bước sang tuổi 28, đây sẽ là một mục tiêu không dễ dàng đối với người con gái của quê hương cách mạng Định Hóa (Thái Nguyên). Tại Asiad 16 năm 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), Hương đã xuất sắc giành HCĐ 100m và HCB 200m. Nhưng lúc này, sau 4 năm, khi mà chỉ số thành tích của Hương lại đang sút giảm so với chính cô, thì các đối thủ của Hương ở châu Á lại trở nên khó lường hơn. Guzel Khubbieva (Uzbekistan) đã giải nghệ vì tuổi tác, nhà vô địch tuyệt đối năm đó Chisato Fukushima (Nhật Bản) hiện thiếu ổn định phong độ, nhưng hàng loạt gương mặt trẻ lại đang nổi lên, như Wei Yongli (Trung Quốc), Viktoryia Zyabkina (Kazakhstan), Asha Roy hay Dutee Chand (Ấn Độ).
Nếu muốn một lần nữa giành huy chương ở đấu trường Asiad, Hương sẽ phải nỗ lực thật nhiều trong tập luyện và tìm cơ hội cọ xát xứng tầm. Nhưng cho dù thế nào, có một điều chắc chắn là Hương lúc này không còn đơn độc nữa.
Bảo An