Tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á hồi tháng 2 năm nay, Nguyễn Thị Oanh đã xuất sắc giành tấm HCV ở nội dung 1500m với thành tích 4 phút 15 giây 55. Tuy nhiên, thi đấu ở ngoài trời lại là câu chuyện khác. Chính vì thế, dù không đạt thành tích cụ thể ở Giải điền kinh thế giới diễn ra tại Budapest (Hungaria) hồi tháng 8 vừa qua, nhưng chân chạy người Bắc Giang lại đạt thông số tốt nhất trong sự nghiệp ở nội dung 1500m, với 4 phút 12 giây 28. Trước đó, thành tích của Nguyễn Thị Oanh là 4 phút 13 giây 88 được lập ở giải Vô địch quốc gia năm 2020 ở Hà Nội. Đây là một chỉ số rất quan trọng để căn cứ vào đó đánh giá khả năng giành huy chương ASIAD 2023. Tất nhiên, điều tối quan trọng là ít nhất Nguyễn Thị Oanh phải cố giữ được thành tích đó. Còn nhớ ở giải vô địch châu Á hồi tháng 7, Nguyễn Thị Oanh chỉ xếp thứ 5 với thành tích 4 phút 18 giây 84 – tức là thấp hơn hẳn thành tích cá nhân tốt nhất của cô.
Trong số 17 VĐV thi đấu chung kết nội dung 1500m, đáng chú ý nhất là VĐV Ấn Độ Bans Harmilan với thành tích cá nhân tốt nhất là 4 phút 05 giây 39, dù thành tích tốt nhất mùa này của cô là 4 phút 08 giây 50. Một VĐV Ấn Độ khác, Deeksha, cũng rất đáng chú ý khi vừa đạt thành tích là 4 phút 06 giây 07. Ngoài ra, phải kể đến VĐV gốc Kenya Winfred Yavi của đoàn thể thao Bahrain với thành tích cá nhân tốt nhất là 4 phút 05 giây 54. Đây sẽ là ba cái tên sáng giá nhất trên bục huy chương.
Nhưng không thể nói trước được điều gì trong thể thao. Trong một ngày thi đấu không thành công, bộ ba trên cũng có thể gây thất vọng, và đó là cơ hội cho nhóm thứ hai, bao gồm Artigana Aberathla của Sri Lanka (4 phút 09 giây 12), Goto Yume của Nhật Bản (4 phút 09 giây 50) và Nguyễn Thị Oanh (4 phút 12 giây 28). Thời gian qua, Nguyễn Thị Oanh và đồng đội đã ém binh tập luyện, cải thiện thành tích cá nhân ở Thượng Hải trước khi sang Hàng Châu.
HLV đội tuyển điền kinh Vũ Mạnh Hiếu chia sẻ: "Mức độ cạnh tranh ở ASIAD rất lớn, đối thủ mạnh nên điều quan trọng đầu tiên là các VĐV phải tự tin, chiến thắng được bản thân".