Theo đài RT, số tài sản trị giá 39 tỷ USD là con số thiệt hại của 22 người giàu nhất nước Nga. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán Nga lao dốc, giảm mạnh tới 33% vào ngày 24/2.
Số tiền mà các tỷ phú Nga đã mất trong ngày 24/2 nhiều hơn số tiền họ đã mất từ đầu năm tính tới ngày 23/2. Đợt suy giảm tài sản ngày 24/2 đã làm tăng gấp đôi thiệt hại của họ kể từ đầu năm. Trước khi mất trắng 39 tỷ USD, các tỷ phú Nga đã thiệt hại 32 tỷ USD trước thời điểm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.
Chủ tịch tập đoàn dầu khí Nga Lukoil, ông Vagit Alekperov, dẫn đầu danh sách thiệt hại. Khối tài sản của ông giảm 1/3 sau một ngày, xuống còn 13 tỷ USD khi giá cổ phiếu của công ty giảm 32%.
Theo sau ông Alekperov là Alexey Mordashov, Chủ tịch tập đoàn thép Severstal. Ông này thiệt hại 4,2 tỷ USD sau một ngày. Tài sản của ông hiện có trị giá khoảng 23 tỷ USD.
Một ông trùm ngành thép khác là Vladimir Lisin đã mất 3,9 tỷ USD, khiến tài sản giảm xuống còn 22,4 tỷ USD.
Giá trị tài sản ròng của ông Leonid Mikhelson, Chủ tịch và cổ đông lớn của công ty khí đốt Novatek, đã giảm 3,8 tỷ USD vào ngày 24/2, xuống còn 22,2 tỷ USD. Tài sản của doanh nhân này đã giảm khoảng 10 tỷ USD kể từ đầu năm.
Danh sách 10 người giàu nhất Nga bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của phương Tây còn có Vladimir Potanin (thiệt hại 3 tỷ USD), Roman Abramovich (thiệt hại 1,8 tỷ USD), Alisher Usmanov (thiệt hại 1,2 tỷ USD)…
Ngày 22/2, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó gồm các biện pháp nhằm vào các nhà tài phiệt Nga và các thành viên gia đình. Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục áp dụng một đợt trừng phạt khác.
Anh cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 5 ngân hàng và 3 cá nhân Nga. Thụy Sĩ đã trừng phạt ba ngân hàng Nga và áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh đối với 361 đại biểu Duma Quốc gia.
Về phần mình, Bộ Kinh tế Nga ngày 25/2 ra thông báo cho biết đang nghiên cứu các biện pháp giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga. Thông báo của bộ trên nêu rõ: "Chúng tôi hiểu rằng sức ép trừng phạt mà chúng tôi từng phải đối mặt từ năm 2014 giờ đây sẽ lớn hơn. Chúng tôi đã sẵn sàng đối phó với các đòn trừng phạt mới có thể xảy ra trong thời gian dài". Một trong số các biện pháp đối phó với các lệnh trừng phạt sẽ là mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với khu vực châu Á.
Cũng trong ngày 25/2, Điện Kremlin cho hay Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, song nước này sẽ vẫn giải quyết được. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Nga đã từng bước giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, giới chức tài chính hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối liên minh này sẵn sàng hứng chịu tổn thất kinh tế khi áp đặt trừng phạt Nga. Ủy viên EU phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni thừa nhận EU sẽ phải trả giá về mặt kinh tế khi trừng phạt Nga. Quan chức này nói rõ giới chức tài chính EU sẽ có cuộc thảo luận tại Paris nhằm thảo luận tác động của các biện pháp trừng phạt Nga đối với nền kinh tế của khối liên minh này.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga sẽ gây ra hậu quả trong ngành năng lượng, song khối liên minh này đã sẵn sàng ứng phó. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, giới chức EU đang tính đến kế hoạch mua chung khí đốt tự nhiên, thiết lập nguồn dự trữ khí đốt chiến lược, qua đó giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.
Một quan chức EU cho hay khối này đang lên kế hoạch áp đặt vòng trừng phạt thứ ba nhằm vào Moskva. Trong số biện pháp mới, 27 nước thành viên EU đã nhất trí đóng băng các tài sản tại châu Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.