Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, chuyên gia châu Âu của WHO Siddhartha Datta cho biết: "Chúng tôi đang cân nhắc rất kỹ khả năng sử dụng công nghệ trong việc ứng phó với dịch và một trong số đó là làm cách nào để phối hợp với các nước thành viên cấp chứng nhận tiêm chủng điện tử". Theo chuyên gia trên, việc đưa vào sử dụng loại chứng nhận này sẽ có thể xác định và giám sát người nào đã được tiêm phòng. Tuy nhiên, hiện quyết định cuối cùng chưa được đưa ra và sẽ còn cần phải phù hợp với luật pháp từng nước.
Quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp ở châu Âu của WHO, bà Catherine Smallwood cho biết chứng nhận tiêm phòng điện tử này sẽ không phải là một tấm "hộ chiếu miễn dịch", đồng thời nhấn mạnh rằng WHO không khuyến nghị hình thức hộ chiếu miễn dịch.
Estonia, một nước "sính" công nghệ ở châu Âu, hồi đầu năm nay đã bắt đầu thử nghiệm một ứng dụng giống một dạng "hộ chiếu miễn dịch" kỹ thuật số. Người đã có kháng thể có thể trình hộ chiếu này với người tuyển dụng hoặc các cơ quan chức năng để chứng minh rằng mình có ít nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngày 2/12 vừa qua, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech và cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ thông báo quyết định của mình về việc này sớm nhất vào ngày 29/12 tới.
Khu vực châu Âu của WHO, gồm 53 quốc gia trong đó có Nga, đã ghi nhận hơn 19,3 triệu ca nhiễm và hơn 433.000 ca tử vong kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Riêng trong tuần qua có thêm 1,5 triệu ca nhiễm mới. Các nước ở Trung và Nam Âu hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi số ca nhiễm mới ở Tây Âu chỉ tăng nhẹ. WHO cảnh báo các chính phủ không nên lơ là cảnh giác trong cuộc chiến chống dịch.