Quan chức ứng phó thảm họa Devendra Singh Patwal xác nhận cơ quan chức năng đã cung cấp thực phẩm, nước và oxy cho những người mắc kẹt, đồng thời duy trì liên lạc với tất cả họ. Trong 2 ngày qua, các máy xúc vẫn tiếp tục loại bỏ đất đá và chờ chuyển một ống thép rộng xuống miệng hố đã được đào, từ đó tạo lối thoát an toàn cho các công nhân mắc kẹt. Theo ông Singh Patwa, khó có thể ước lượng thời gian cần để đưa được các công nhân ra ngoài. Ông cho biết thêm một nhóm chuyên gia địa chất đã tới hiện trường để đánh giá nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Theo hãng tin AFP (Pháp), hơn 100 nhân viên cứu hộ vẫn nỗ lực không ngừng để giải cứu các công nhân mắc kẹt.
Ông Ranjit Kumar Sinha, một quan chức ứng phó thảm họa cấp cao khác cho biết hiện có đủ nguồn cung oxy trong trường hợp các công nhân mắc kẹt từ 5-6 ngày. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng họ có thể được giải cứu trong ngày 15/11.
Báo Indian Express dẫn lời một công nhân may mắn thoát ra ngoài cho biết có khoảng 50-60 công nhân bên trong đường hầm. Khoảng 10-20 người trong số họ đang trên đường ra khỏi đó sau khi tan ca. Do vậy, khi hầm sập họ đã ở gần lối ra hơn. Những người còn lại mắc kẹt sâu phía sau đống đất đá.
Vụ sập đường hầm tại bang Uttarakhand xảy ra vào sáng sớm 12/11. Đường hầm dài 4,5km đang được xây dựng giữa Silkyara và Dandalgaon để kết nối hai ngôi đền Hindu linh thiêng nhất là Uttarkashi và Yamunotri. Thời điểm khởi công công trình vào năm 2018 và ban đầu dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, thời điểm hoàn thành công trình này đã bị lùi lại đến tháng 5/2024. Những bức ảnh do đội cứu hộ chính phủ công bố sau vụ sập đường hầm cho thấy các khối bê tông khổng lồ chặn ngang đường hầm rộng, với những thanh kim loại xoắn trên trần bị vỡ nhô ra phía trước đống đổ nát. Khu vực Uttarakhand thường xuyên xảy ra các vụ lở đất, động đất và lũ lụt. Tai nạn mới nhất xảy ra sau các đợt sụt lún ở bang này. Các nhà địa chất học, các quan chức và người dân cho rằng nguyên nhân gây sụt lún là do tốc độ xây dựng quá nhanh tại các vùng núi.