Viễn cảnh chông gai của tân Tổng thống Ukraine

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn tại Ukraine ngày 25/5 vừa qua, ông Petro Poroshenko sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức: bất ổn chính trị, nền kinh tế kiệt quệ và xung đột leo thang tại miền Đông đang đẩy đất nước tới bờ vực chia rẽ. Với những vị trí mà ông Poroshenko đã trải qua, người dân Ukraine đang hy vọng "ông hoàng sôcôla" sẽ có đủ khả năng đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, tạo dựng sự ổn định để phát triển.

Áp lực lớn nhất đối với ông Poroshenko là giành lại quyền kiểm soát hai khu vực gồm 6,6 triệu dân ở Đông Nam Ukraine là Donetsk và Lugansk, nơi mà ban lãnh đạo tự phong hôm 24/5 vừa qua tuyên bố tách ra thành nhà nước độc lập có tên gọi "Novorossiya". Ngay sau khi đắc cử, ông Poroshenko đã khẳng định quyết tâm dập tắt làn sóng đòi liên bang hóa tại khu vực Đông Nam và tìm cách đòi lại bán đảo Crimea từ LB Nga. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, hầu hết cử tri ở Donetsk và Lugansk đã không tham gia bầu cử.

Ông Petro Poroshenko sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: AFP - TTXVN


Nếu chính phủ mới không đàm phán với họ và ngừng chiến dịch quân sự tại miền Đông, người dân tại khu vực này càng có thêm lý do để lựa chọn con đường của riêng họ. Trong những ngày qua, việc chính quyền Ukraine đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại miền Đông, đặc biệt là xung đột đẫm máu leo thang nghiêm trọng ở Donetsk khiến hàng chục người thiệt mạng, đã cho thấy nhiệm vụ ổn định khu vực Đông Nam hoàn toàn không dễ dàng và đó là khó khăn lớn nhất mà ông Poroshenko phải đối mặt.

Các nhà phân tích hy vọng tổng thống mới của Ukraine sẽ chìa bàn tay hữu nghị, cam kết trao quyền tự trị lớn hơn cho các khu vực Đông Nam như một phần của cải cách Hiến pháp. Chính ông Poroshenko đã khẳng định "sẽ làm mọi thứ để giành lại lòng tin của họ". Tuy nhiên, cũng có khả năng ông sẽ không nhân nhượng và đưa lực lượng đối phó với những người biểu tình đòi liên bang hóa, buộc họ phải từ bỏ vũ khí và có thể đặt ra "thời hạn chót" cho việc này.

Trong trường hợp đàm phán, những người biểu tình ở miền Đông khẳng định rằng họ sẵn sàng thương lượng với ông Poroshenko với điều kiện Nga là một phần của tiến trình này. Vì thế, việc tái can dự với Kremlin sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các nỗ lực gắn kết Ukraine trở lại.

Ông Poroshenko khẳng định rằng Nga là "người hàng xóm lớn nhất" và "không thể thiếu sự tham gia của Moskva" trong việc giải quyết tình hình bất ổn ở miền Đông Nam, đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực này cũng như cho toàn Ukraine. Nhận thức được vai trò của Nga và đề cao quan hệ với nước láng giềng này là con đường đối ngoại khôn ngoan để tạo dựng bầu không khí "trong ấm ngoài êm", điều mà những người tiền nhiệm hầu như chưa làm được.

Một thách thức lớn khác đối với ông Poroshenko là khôi phục nền kinh tế hiện đang trong tình trạng èo uột và đấu tranh chống nạn tham nhũng kinh niên. Tăng trưởng kinh tế của Ukraine dự kiến giảm 3% trong năm nay và lạm phát ở mức 12-14%, kho bạc trống rỗng, đồng nội tệ mất giá tới 60-70%, hầu hết các ngành sản xuất đều bị giảm sút hoặc tê liệt do khủng hoảng chính trị và sự gián đoạn quan hệ thương mại với đối tác chính là Nga.

Là một chủ doanh nghiệp thành công, từng có nhiều hoạt động kinh doanh với cả Nga và châu Âu và giữ một số vị trí quan trọng trong các chính phủ trước như Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế, giới phân tích cho rằng ông Poroshenko nhiều khả năng sẽ tập trung lôi kéo các nguồn vốn đầu tư từ phương Tây, nhưng cũng sẽ không bỏ qua cơ hội hợp tác với Nga. Bất chấp mối quan hệ với các đối tác Nga đã xấu đi và việc Moskva ra lệnh đóng cửa một trong số các nhà máy của Poroshenko, với cách tiếp cận của một nhà kinh tế thực dụng, chắc chắn ông Poroshenko sẽ không bỏ qua Nga vì những giá trị to lớn mà mối quan hệ này có thể mang lại. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Poroshenko đã đề xuất một số cải cách kinh tế, hứa hẹn sẽ giảm số lượng các loại thuế và hạn chế nguồn nội tệ chuyển sang các ngân hàng nước ngoài.

Các mối quan hệ năng lượng cũng là vấn đề hóc búa. Ông Poroshenko cho biết Ukraine sẽ tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung thông qua việc nhập khẩu khí đốt từ các thị trường Tây Âu, khai thác những khu vực có trữ lượng khí đá phiến rộng lớn của nước này, mặc dù nguồn tài nguyên đó chủ yếu tập trung ở khu vực miền Đông Ukraine hiện do lực lượng biểu tình kiểm soát, cũng như xây dựng các cơ sở hóa lỏng khí tự nhiên.

Một tay súng biểu tình trong xung đột tại Donetsk. Ảnh: AFP - TTXVN


Ngoài ra, một thách thức quan trọng nữa đối với ông Poroshenko là làm thế nào để Ukranie có thể ngả hẳn về phương Tây, trong khi Nga - thị trường lớn và là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của Ukraine - quyết tâm duy trì ảnh hưởng tại Ukraine. Sau khi tuyên bố trở thành người đại diện của nhân dân Ukraine để tiếp tục những nỗ lực đưa quốc gia gồm 45 triệu dân này hội nhập Liên minh châu Âu (EU), ông Poroshenko cho biết sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin và gọi Nga là một đối tác chiến lược.

Những tuyên bố có sức nặng ban đầu của ông Poroshenko mang lại nhiều hy vọng cho một Ukraine đang khủng hoảng. Tuy nhiên, trên thực tế, liệu ông có đủ quyền lực pháp lý để thực hiện những thay đổi này hay không? Theo Hiến pháp hiện hành của Ukraine (Hiến pháp 2004 sửa đổi), quyền hạn của tổng thống bị thu hẹp đáng kể ở chức năng thành lập chính phủ. Thêm vào đó, kể từ năm 2012, ông Poroshenko vào Quốc hội với tư cách là nghị sĩ độc lập. Điều đó không đảm bảo cho ông có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các đảng phái trong Quốc hội và như vậy sẽ không có đủ ảnh hưởng để Quốc hội thông qua các đạo luật. Hiện tại, đồng minh duy nhất của ông Poroshenko chính là các thành viên của đảng UDAR (chỉ có 40 người trong tổng số 450 ghế Quốc hội).

Có lẽ đó là lý do khiến ông Poroshenko kêu gọi bầu cử quốc hội sớm, dự kiến vào mùa Thu tới, với hi vọng bầu cử sẽ hoàn tất việc hợp pháp hóa ban lãnh đạo ở Kiev cũng như đáp ứng nguyện vọng của người dân Ukraine về một cuộc cải tổ chính phủ toàn diện. Không loại trừ khả năng bầu cử quốc hội sớm cũng sẽ giúp ông Poroshenko có cơ hội tăng ghế cho lực lượng chính trị hậu thuẫn ông và biến nó thành lực lượng mạnh trong quốc hội, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều chính đảng khác.

Liệu ông Poroshenko có thể đem lại hồi kết cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine? Câu trả lời phụ thuộc vào những tính toán chiến lược và bước đi cụ thể của ông trong thời gian tới. Với vị trí địa chiến lược nhạy cảm luôn chứng kiến sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây, trong bối cảnh mâu thuẫn chính trị và bất ổn triền miên, chỉ một bước đi sai lầm cũng có thể khiến Ukraine càng lún sâu vào khủng hoảng.


TÂM HẰNG
Thủ tướng Ukraine yêu cầu Nga phong tỏa biên giới
Thủ tướng Ukraine yêu cầu Nga phong tỏa biên giới

Ngày 28/5, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin phong tỏa biên giới với Ukraine để ngăn chặn người biểu tình có vũ trang xâm nhập nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN