Tại ngày làm việc thứ 2 của diễn đàn, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định trong thời điểm toàn cầu hóa đang đối mặt với nhiều thách thức, các nước cần thúc đẩy hợp tác, mở cửa, và chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tránh rơi vào tình trạng phân rẽ và kiềm chế đặt ra các "ranh giới" hạn chế hợp tác hay theo đuổi các thỏa thuận độc nhất. Theo ông, trong một thế giới của tăng trưởng, phụ thuộc lẫn nhau và thách thức, không quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết các vấn đề của mình cũng như của thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang chủ trương đi theo hướng bảo hộ dưới chính sách "Nước Mỹ trên hết", nhiều chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc nêu sáng kiến "Vành đai và Con đường" mang ý nghĩa cạnh tranh địa chính trị.
Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết khoản đầu tư 124 tỷ USD cho dự án "Vành đai và Con đường" trong nỗ lực thúc đẩy tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh bằng việc mở rộng các mối liên kết giữa châu Á, châu Phi và châu Âu. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết London "sẵn sàng hợp tác với các nước đối tác trong sáng kiến trên".
Tuy nhiên, một số nước vẫn tỏ ra quan ngại. Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries kêu gọi minh bạch nhằm đảm bảo không tồn tại sự phân biệt trong hoạt động kêu gọi đầu tư. Một số ý kiến tại diễn đàn cảnh báo phải đảm bảo hoạt động cho vay bền vững để tránh hiện tượng các nước chủ dự án rơi vào tình trạng ngập trong các khoản nợ thiếu bền vững. Trong khi đó, Ấn Độ đã từ chối tham dự hội nghị lần này để phản đối dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đặt mục tiêu nối liền vùng Tây Bắc Trung Quốc với Biển Arập và đi qua khu vực tranh chấp Kashmir giữa Pakistan và Ấn Độ.
Sáng kiến " Vành đai và Con đường" do Trung Quốc đề xuất vào năm 2013 bao gồm Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Sáng kiến này nhằm mục đích xây dựng mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng nối châu Á với châu Âu và châu Phi không chỉ dọc theo mà còn vượt ra ngoài cả các tuyến đường thương mại của Con đường Tơ lụa cổ.