Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Wood Mackenzie, Trung Quốc và Ấn Độ có thể nhập khẩu tới 1,4 tỷ tấn than vào năm 2030, trong đó Trung Quốc chiếm 1 tỷ tấn, tăng từ mức 175 triệu tấn năm 2011, và Ấn Độ khoảng 400 triệu tấn so với mức tương ứng 80 triệu tấn năm 2011.
Nhà phân tích thị trường than Prakash Sharma của Wood Mackenzie nói rằng nhập khẩu than của Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh, do nhu cầu điện năng của hai nền kinh tế lớn hàng đầu châu Á này - vốn phụ thuộc rất nhiều vào than đá, tăng mạnh cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Wood Mackenzie dự báo Ấn Độ có thể nhập khẩu tới 95 triệu tấn than vào năm 2012 và nâng con số này lên 165 triệu tấn vào năm 2015. Lượng nhập khẩu của Ấn Độ sẽ tăng đáng kể ngay trong năm tới, nếu nhà cung cấp than Coal India lớn nhất của nước này nâng giá than trong nước lên gần hơn với mức giá trên thị trường toàn cầu. Coal India thuộc sở hữu nhà nước, chiếm khoảng 80% sản lượng than của Ấn Độ, muốn tăng giá trong nước - hiện thấp hơn giá quốc tế khoảng 40%, lên xấp xỉ giá thị trường quốc tế, song Niu Đêli đã buộc công ty phải duy trì mức giá hiện nay ít nhất là cho đến tháng 4/2012, nhằm không làm tăng chi phí điện năng để cải thiện tình trạng thiếu điện trong nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và lớn nhất Nam Á này.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố nước này có trữ lượng than khoảng 350 tỷ tấn, nhiều thứ tư thế giới, song theo Wood Mackenzie, với mục tiêu của Niu Đêli đạt sản lượng 464 triệu tấn năm 2012/2013, so với mức 440 triệu tấn năm 2011/2012, thì cho tới năm 2030 nước này chỉ mới khai thác được khoảng 18 tỷ tấn. Để tăng nguồn cung trong nước, Ấn Độ có thể áp dụng các biện pháp và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, qua đó cải thiện khả năng cạnh tranh, mở ra có hội áp dụng các công nghệ mới và mở rộng nguồn nhân lực có tay nghề cao từ các công ty khai thác khoáng sản tiên tiến nước ngoài.
Với nhu cầu năng lượng gia tăng từ Ấn Độ và Trung Quốc, Ôxtrâylia và Inđônêxia sẽ tiếp tục là nhà cung cấp lớn, bên cạnh các nước như Nga, Côlômbia và Mỹ. Ngoài ra còn có các nhà cung cấp tiềm năng khác như Mông Cổ hay Môdămbích, trong khi Nam Phi vẫn là nước xuất khẩu than quan trọng dù không có khả năng tăng đáng kể lượng bán ra.
Wood Mackenzie nhận định rằng mặc dù nguồn cung tăng, song giá than sẽ vẫn ở mức cao vì chi phí sản xuất và thuế cao hơn, cũng như sự đòi hỏi cao hơn về cơ sở hạ tầng với việc cần tới các nhà cung cấp ở xa hơn để đáp ứng nhu cầu.
Theo Wood Mackenzie, trong dài hạn giá than Newcastle chuẩn sẽ ở quanh mức trên 120 USD/tấn FOB như trong năm 2011. Trong tuần qua, giá than Newcastle đóng cửa ở mức 104,43 USD/tấn, còn than từ Vịnh Richard, Nam Phi là 103,21 USD/tấn.
Việt Tú (PV TTXVN tại Giacácta)