Trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Công chúng hàng năm của WTO, Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala cho biết: “Bóng ma của việc không có đủ thức ăn là điều đáng lo ngại. Vì vậy, đối với tôi, đó là vấn đề hàng đầu.” Theo bà Okonjo- Iweala, sau an ninh lương thực là khả năng tiếp cận năng lượng. Bà cho rằng an ninh lương thực và năng lượng đang là vấn đề mà thế giới phải đối mặt và các nước thành viên WTO cần thúc đẩy các giải pháp cho các vấn đề này.
Bà Okonjo-Iweala cho biết một số nước thành viên WTO đã đi đúng xu hướng khi 15 trong số 57 chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực và phân bón được áp dụng kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine đã được loại bỏ, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các hạn chế này cuối cùng sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Theo bà Okonjo-Iweala, việc chấm dứt xung đột có thể không giải quyết hết tất cả các vấn đề, nhưng sẽ đóng góp quan trọng để tháo gỡ bế tắc.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và WTO đưa ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp giải quyết an ninh lương thực toàn cầu. Bà Ngozi Okonjo-Iweala khi đó khẳng định đại dịch COVID-19, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng quốc tế và cuộc chiến ở Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng các thị trường thực phẩm, nhiên liệu và phân bón vốn có liên kết với nhau.
Theo WFP, đến tháng 6/2022, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng - những người có khả năng tiếp cận thực phẩm trong thời gian ngắn bị hạn chế đến mức cuộc sống và sinh kế của họ đang gặp nguy hiểm - đã tăng lên 345 triệu người ở 82 quốc gia.
Cũng trong ngày 28/9, Tổng thống Joe Biden đã triệu tập Hội nghị Nhà Trắng về nạn đói, suy dinh dưỡng và y tế để chấm dứt nạn đói và giảm các bệnh liên quan vấn đề dinh dưỡng tại Mỹ. Trước đó, ngày 20/9, Mỹ đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực toàn cầu bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.
Hội nghị tái khẳng định cam kết của lãnh đạo toàn cầu cùng hành động khẩn cấp và trên quy mô lớn đối với cuộc khủng hoảng lương thực và nạn đói cùng cực của hàng triệu người trên toàn thế giới. Khoản hỗ trợ 2,9 tỷ USD của Mỹ sẽ dùng để ứng phó với tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Trong năm nay, khoản hỗ trợ 2,9 tỷ USD sẽ được phân bổ vào các chương trình sau: Viện trợ Nhân đạo toàn cầu (2 tỷ USD), Viện trợ phát triển Toàn cầu (783 triệu USD), Chương trình An ninh Lương thực và Nông nghiệp Toàn cầu - GAFSP (150 triệu USD).
Theo các chuyên gia, tuyên bố về các khoản hỗ trợ này của Mỹ bắt nguồn từ cuộc xung đột Ukraine. Mỹ đã tập trung nhiều vào vấn đề an ninh lương thực bởi Nga và Ukraine đều là các nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón chủ chốt trên thế giới. Liên hợp quốc ước tính tình hình xung đột tại Ukraine đã đẩy thêm 47 triệu người vào cảnh “đói nghèo cùng cực”.