Thủ tướng Anh triệu tập cuộc họp nội các

Ngày 20/11, Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập cuộc họp nội các mới ngay trước thềm diễn ra các cuộc đàm phán tại Brussels về mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit, chỉ việc Anh rời khỏi EU.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Theresa May (thứ 7, trái) chủ trì một cuộc họp nội các tại London. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đây là cuộc họp nội các đầu tiên mà nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ chủ trì kể từ khi hai bộ trưởng chủ chốt từ chức hồi tuần trước do bất đồng với dự thảo thỏa thuận "ly hôn" mà Anh và EU đạt được hôm 13/11 vừa qua, làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ chính phủ sụp đổ. 

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng May cùng ngày thông báo nhà lãnh đạo này sẽ tới Brussels vào ngày 21/11 để gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhằm thảo luận về một thỏa thuận sơ bộ về mối quan hệ thương mại Anh - EU trong tương lai hậu Brexit. Người phát ngôn EC Margaritis Schinas cho biết dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào 16h30 giờ GMT. 

Hơn 2 năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời EU trong một cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 và sau quá trình đàm phán khó khăn, cuối cùng hai bên vừa đạt được một thỏa thuận sơ bộ về một cuộc "ly hôn" không dứt khoát và đang tiếp tục vạch ra tương lai quan hệ giữa hai bên sau thỏa thuận này.

Theo kế hoạch, Quốc hội Anh sẽ tiến hành bỏ phiếu về cả thỏa thuận "li hôn" và thỏa thuận về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU vào tháng tới.

Thủ tướng May đang phải đấu tranh trong nội bộ để giữ cho thỏa thuận trên có hiệu lực và được thông qua tại Quốc hội, trong bối cảnh thỏa thuận sơ bộ này đang bị chỉ trích từ các chính trị gia ủng hộ Brexit, các nghiệp đoàn ở vùng lãnh thổ Bắc Ireland và những người muốn giữ các quan hệ mật thiết hơn với EU.

Mặc dù số phận của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng tại Anh, EU đang chuẩn bị cho  hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần này để thông qua. Tuy nhiên, EU cũng có kế hoạch dự phòng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Tây Ban Nha để ngỏ khả năng Scotland có thể tái gia nhập EU

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell tuyên bố một Scotland độc lập có thể tái gia nhập EU hậu Brexit, đồng thời cảnh báo về khả năng tính thống nhất của Anh sẽ bị suy yếu. 

Trước đó, Tây Ban Nha được xem là không ủng hộ Scotland trong việc gia nhập châu Âu, trong bối cảnh nước này đối mặt với những đòi hỏi ly khai của vùng Catalonia. Tuy nhiên, với việc Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, ông Borrell cho biết nếu Scotland đi theo một con đường hợp pháp rời khỏi Anh thì nước này có thể trở lại khối. 

Scotland có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi năm 2016, 52% người dân trên khắp Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ủng hộ điều này.

Tuy nhiên, riêng tại Scotland, có đến 63% người dân lựa chọn ở lại EU. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã nhiều lần khẳng định Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.

Phương Oanh (TTXVN)
Bị phản đối từ chính nội bộ, Thủ tướng Anh vẫn cứng rắn duy trì dự thảo thỏa thuận Brexit
Bị phản đối từ chính nội bộ, Thủ tướng Anh vẫn cứng rắn duy trì dự thảo thỏa thuận Brexit

Ngày 19/11, Thủ tướng Anh Theresa May cam kết sẽ duy trì bản dự thảo thỏa thuận về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trong chính nội bộ đảng Bảo thủ của bà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN