Theo hãng tin AFP, các khách sạn này thậm chí đã phải thuê đến những người chưa từng có kinh nghiệm hay không có cả hồ sơ lí lịch.
Chủ khách sạn thuộc nhóm lớn nhất châu Âu Accor đang thí điểm sáng kiến tuyển dụng những người chưa từng làm việc trong ngành. “Chúng tôi phỏng vấn cả những người không có hồ sơ, không có kinh nghiệm làm việc và những người đó được nhận trong vòng 24 giờ”, Giám đốc điều hành Sebastien Bazin trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tại Diễn đàn Kinh tế Qatar vào tháng trước. Accor hiện hoạt động tại 110 quốc gia và đang cần 35.000 nhân viên trên toàn cầu. Tại Pháp, chuỗi khách sạn này đang lấp đầy lỗ trống nhân lực bằng những người trẻ tuổi và dân nhập cư.
Tình trạng thiếu hụt nhân lực cũng đang đè nặng lên Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – hai nước có ngành du lịch đóng góp cho thu nhập kinh tế quốc gia lần lượt là 13% và 15% trước khi đại dịch bùng phát. Những khách sạn tại đây đang đề nghị mức lương trả cao hơn, miễn phí chỗ ăn ở và thêm nhiều đãi ngộ về bảo hiểm, tiền thưởng.
Gabriel Escarrer, Giám đốc điều hành chuỗi khách sạn Tây Ban Nha Melia, cho biết để thu hút lao động, công ty gần đây đã đề nghị cung cấp chỗ ở cho nhân viên.
Giám đốc điều hành Hotel Mundial nói họ đang cố gắng tuyển dụng thêm 59 người. “Nếu chúng tôi không thể tuyển được ai, chúng tôi sẽ phải cắt giảm dịch vụ. Điều này sẽ thật là đáng tiếc khi ngành du lịch vốn dĩ đã không có doanh thu trong hai năm qua”, ông chia sẻ.
Jose Carlos (52 tuổi) - chủ một quán bar ở Madrid - chỉ có thể mở quán vào cuối tuần. “Trong tuần, chúng tôi không thể mở cửa vì chúng tôi không có nhân viên. Họ đều đi học”, Carlos giải thích hầu hết nhân viên dọn bàn trong quán bar là sinh viên.
Tại quận La Latina của Madrid, chủ quán Angosta Tavern, cô Mariveni Rodriguez, chia sẻ: “Chúng tôi trao cơ hội cho những người di cư đến với mong muốn được làm việc khi họ không có gia đình hoặc cơ quan hỗ trợ”.
Theo Hiệp hội Khách sạn Quốc gia, ngành công nghiệp phục vụ ăn uống của Tây Ban Nha đang thiếu 200.000 lao động và các khách sạn ở Bồ Đào Nha cần thêm ít nhất 15.000 người để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Jose Luis Yzuel, làm việc trong hiệp hội ngành dịch vụ ăn uống, đề xuất: “Giải pháp hữu hiệu nhất là trả lương nhiều hơn”.
Tại Tây Ban Nha, các quán bar và nhà hàng đã tăng lương cho nhân công gần 60% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn là ngành trả lương thấp nhất tại đây, khoảng 1.150 euro/tháng.
Ở nước láng giềng Bồ Đào Nha, mức lương trung bình trong ngành du lịch dự kiến tăng 7% trong năm nay. Theo Viện Thống kê Quốc gia, mức lương trung bình trong ngành du lịch rơi vào khoảng 881 euro/tháng, trên mức lương tối thiểu là 705 euro.
Bazin cho hay hiện lượng khách đặt tại các khách sạn chỉ lấp đầy khoảng 60% hoặc 70% nên họ vẫn giải quyết được tình trạng thiếu nhân viên. Tuy nhiên, trong hai tháng cao điểm du lịch tới, các khách sạn sẽ rơi vào khủng hoảng nếu không có người làm.
“Vấn đề là từ đầu tháng Bảy đến cuối tháng Tám, chúng tôi sẽ bận rộn 100%, liệu các khách sạn có thể phục vụ được tất cả mọi người hay không?” Bazin báo động.