Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 245.965 ca tử vong trong tổng số 10.573.232 ca mắc - chiếm 1/5 tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến một loạt bang ở khu vực Trung Tây nước Mỹ như California, Minnesota và Iowa siết chặt các hạn chế phòng dịch, trong bối cảnh các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước này liên tục khuyến cáo người dân duy trì cảnh giác cho đến khi có vaccine phòng bệnh.
Đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về số ca mắc là Ấn Độ, với 8.647.622 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 127.735 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với 5.701.283 ca mắc và 162.842 ca tử vong. Đứng thứ 4 thế giới và đứng đầu châu Âu về số ca mắc là Nga, với 1.836.960 ca mắc và 31.593 ca tử vong.
Tại "điểm nóng" dịch bệnh châu Âu, Đức trong 24 giờ qua đã ghi nhận 18.487 ca nhiễm mới, cao hơn 3.155 trường hợp so với một ngày trước đó trong khi số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 261 ca lên tổng số 11.767 ca. Trong khi đó, tỉ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong 7 ngày qua tại Đức ghi nhận ngày 11/11 ở mức 138,1, giảm nhẹ so với mức cao nhất 139,1/100.000 dân/ tuần ghi nhận hôm 10/11. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận định tình hình dịch bệnh tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang có dấu hiệu được cải thiện khi đã "chậm lại đáng kể", tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm. Tại Thụy Sĩ, nước này cùng ngày ghi nhận 8.270 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 243.472 ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng 86 ca lên 2.769 ca.
Trong khi đó, Chính phủ CH Séc thông báo sẽ mở cửa trở lại các trường tiểu học để đón học sinh lớp 1 và 2 vào tuần tới, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 có xu hướng đi xuống. Séc vẫn đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khối về tỷ lệ ca mắc mới và tử vong trên 100.000 dân. Tuy nhiên, số ca mắc mới theo ngày đã bắt đầu giảm xuống còn khoảng 9.000 ca vào ngày 10/11, từ mức khoảng 15.000 ca được ghi nhận trong hầu hết các tuần trước đó. Tính tới sáng 11/11, Séc ghi nhận khoảng 430.000 ca mắc và hơn 5.300 ca tử vong.
Nhằm thúc đẩy sự hiệu quả trong công tác chống dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác trong tương lai trong Liên minh châu Âu (EU), Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch cải cách các quy định về y tế cộng đồng, theo đó cho phép EU ban bố tình trạng khẩn cấp và thực hiện các bài đánh giá sức chống chịu của các nước trước các đại dịch. Ngoài ra, EU cũng công bố những bước đi nhằm xây dựng một cơ quan mới theo mô hình Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Mỹ (BARDA).
Tại châu Á, Indonesia, Philippines và Malaysia tiếp tục các "điểm nóng" dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 7/11, Indonesia ghi nhận 3.770 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 448.118 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 75 ca lên 14.836 ca. Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 1.672 ca mắc và 49 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi tại nước này lên lần lượt là 401.416 ca và 7.710. ca. Malaysia cũng ghi nhận thêm 822 ca mắc, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 42.872 ca. Số ca tử vong tại nước này hiện là 302 ca, tăng 2 ca.
Trong khi đó, Campuchia tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có kế hoạch phân phát 2 triệu khẩu trang cho người dân thủ đô Phnom Penh. Những cá nhân nào vi phạm quy định về cách ly phòng dịch sẽ bị phạt từ 200.000 riel (50 USD) đến 1 triệu riel và bị xử lý theo Luật Hình sự. Tính đến sáng 11/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này đã phát hiện 301 ca mắc COVID-19, trong đó 288 ca đã bình phục và không có trường hợp nào tử vong.
Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo thông báo ghi nhận thêm 317 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, lần đầu tiên vượt ngưỡng 300 ca/ngày kể từ ngày 20/8. Số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản hiện lần lượt là 108.983 ca và 1.829 ca. Thủ tướng Suga Yoshihide đã chỉ đạo nhóm đặc trách ứng phó đại dịch COVID-19 của chính phủ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi mùa Đông đang đến gần.
Cùng ngày, Singapore thông báo một dịch vụ du lịch hàng không mang tên Air Travel Bubble, giữa Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh sẽ được khởi động từ ngày 22/11. Đây sẽ là lần đầu tiên một hành khách đi máy bay được phép di chuyển giữa hai trung tâm khu vực này không vì mục đích kinh doanh. Chương trình sẽ được ngừng lại nếu số ca nhiễm ở hai nơi tăng trở lại.
Trong khi đó, Australia tuyên bố nước này sẽ có vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào tháng 3/2021. Theo đó, Australia đã được đảm bảo 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) sản xuất. Tương tự, EU cũng thông báo đạt được thỏa thuận với hai hãng dược Pfizer và BioNTech để mua tới 300 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tiềm năng.
Loại vaccine này vừa cho kết quả đột phá với hiệu quả lên tới 90% trong giai đoạn thử nghiệm lần thứ 3 - giai đoạn thử nghiệm cuối - trên cơ thể người. Cơ quan Y tế châu Âu dự kiến EU sẽ có thể tiếp nhận những vaccine phòng COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2021.