Sự cố vỡ đập xảy ra ngày 25/1 tại bang Minas Gerais đã khiến hàng triệu tấn chất thải độc hại từ quá trình khai mỏ tràn ra các vùng lân cận trong khi 270 người chết hoặc mất tích. Sau sự cố này, Vale đã phải đình chỉ một số hoạt động.
Vale đã thuê một nhóm chuyên gia làm báo cáo đánh giá về sự cố này. Báo cáo cho thấy nước tích tụ lâu ngày tại con đập đã khiến các chất thải vốn ở thể rắn trở nên quánh lại. Do hệ thống thoát nước kém và nước tích tụ lâu ngày vào mùa mưa, con đập này dần quá tải vì áp lực từ một lượng lớn chất thải mềm và nặng, thành phần chủ yếu là sắt.
Tuy nhiên, báo cáo kết luận không có dấu hiệu nào cho thấy những bất ổn có thể nhìn thấy bằng mắt thường như sự biến dạng dẫn tới các vết nứt hay phình to trước khi sự cố vỡ đập xảy ra. Báo cáo có đoạn nêu rõ dù các phân tích dữ liệu sau sự cố đã xác định một số dấu hiệu biến dạng nhỏ trong vòng 12 tháng trước sự cố nhưng những dấu hiệu này diễn biến quá chậm nên các thiết bị giám sát và hệ thống radar mặt đất không phát hiện được. Báo cáo trên không đề cập tới kết quả của các cuộc điều tra khác xung quanh sự cố nghiêm trọng này.
Hồi tháng 11, Cơ quan Khoáng sản quốc gia Brazil (ANM) công bố báo cáo cho thấy Vale đã nhận thấy các vấn đề với hệ thống thoát nước từ 7 tháng trước khi thảm họa xảy ra. Hai tuần trước sự cố, các thiết bị đo cũng đã phản ánh áp lực chất lỏng trong lòng đập lên tới mức khẩn cấp. Ít nhất 7 công nhân của Vale và 6 nhân viên của công ty kiểm toán Đức TUV SUD đang bị điều tra vì sử dụng thông tin giả mạo để chứng nhận đập Brumadinho đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Trước đó, năm 2015, Brazil cũng hứng chịu thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử khi đập chất thải Fundao - thuộc quản lý của một công ty liên doanh giữa Vale và BHP - bị vỡ, khiến gần 40 triệu m3 chất thải cực độc tràn ra huyện Mariana, cũng thuộc bang Minas Gerais. Tổng cộng 19 người thiệt mạng và 39 thị trấn ngập trong chất thải sau thảm họa này.