Từ tháng 11/2017, Nhật Bản đã cho phép các thực tập sinh nước ngoài thực tập trong lĩnh vực điều dưỡng ở nước này. Với việc bổ sung thêm lĩnh vực điều dưỡng vào chương trình thực tập sinh kỹ thuật, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ thu hút được các điều dưỡng viên từ các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến tháng 2/2018, mới chỉ có khoảng 250 thực tập sinh nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này. Nguyên nhân có thể là do các quy định về trình độ tiếng Nhật đối với các thực tập sinh trong lĩnh vực điều dưỡng cao hơn trong những lĩnh vực khác.
Theo hãng tin Kyodo, hiện nay, các điều dưỡng viên nước ngoài chỉ được gia hạn cư trú ở Nhật Bản với điều kiện họ vượt qua bài kiểm tra tiếng Nhật ở một trình độ nhất định sau khi tới nước này. Nếu bài kiểm tra không đạt điểm chuẩn, họ sẽ phải trở về nước. Vì vậy, các nguồn tin quan chức giấu tên cho biết chính phủ dự kiến sẽ cho phép các lao động này tiếp tục ở lại Nhật Bản thêm 2 năm với điều kiện họ cam kết tiếp tục học tiếng Nhật. Sự điều chỉnh quy định này có thể bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2019.
Ngoài việc nới lỏng yêu cầu về trình độ tiếng Nhật, từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ áp dụng hệ thống cấp thị thực mới, theo đó nước này sẽ tiếp nhận thêm nhiều lao động nước ngoài, trong đó có lao động trong lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng.
Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chương trình thực tập sinh kỹ thuật cho người nước ngoài từ năm 1993 nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Cuối năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một loạt biện pháp tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo đời sống cho lao động nước ngoài nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Cụ thể, lao động các nước được cho là sẽ nhập cảnh thông qua hệ thống thị thực mới chủ yếu đến từ 9 nước châu Á gồm Campuchia, Indonesia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Lao động các nước này có thể làm việc trong 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng, kinh doanh nhà hàng, nông nghiệp và điều dưỡng.
Theo hệ thống thị thực mới, lao động nước ngoài, từ 18 tuổi trở lên, sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại đầu tiên đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định, trong khi loại thứ hai dành cho nhóm có kỹ năng làm việc cao hơn.
Tokyo sẽ cung cấp các điều kiện làm việc "thích hợp" cho lao động nước ngoài về lương bổng, giờ làm và an toàn lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ làm việc với các nước liên quan chấm dứt tình trạng môi giới trái phép nhằm trục lợi từ các lao động.
Ngoài ra, Tokyo cũng đưa ra gói chính sách gồm 126 điểm nhằm hỗ trợ cuộc sống thường nhật của lao động nước ngoài, dành 22,4 tỷ yen (khoảng 201 triệu USD) để hỗ trợ các lao động nước ngoài trong tài khóa này và tài khóa 2019 (bắt đầu vào tháng 4 tới).
Chính phủ Nhật Bản còn có kế hoạch thiết lập 100 trung tâm dịch vụ tư vấn bằng 11 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt, trên khắp Nhật Bản, cung cấp thông tin và tư vấn một loạt lĩnh vực trong đó có hệ thống thị thực, việc làm, dịch vụ y tế, chăm sóc con cái và giáo dục.
Nhằm hỗ trợ tối đa người lao động nước ngoài, Nhật Bản cũng sẽ sử dụng nhiều ngôn ngữ tại các bệnh viện, cơ sở công cộng, cũng như trong việc đưa ra khuyến cáo khẩn cấp về thảm họa tự nhiên.
Tính tới tháng 10/2017, số lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản lên mức kỷ lục mới 1,28 triệu người.